Cuộc đối thoại giữa mơ và thực của Đoàn Xuân Tùng và Bùi Quốc Khánh

Cao Tùng Lê viết cho Hanoi Grapevine và VCCA, ảnh do VCCA cung cấp
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Tỉnh dậy giữa không gian đen xám, thấy toàn người với người. Bước xuống, dạo quanh, đi một vòng thành phố… không biết mình bước giữa thực hay mơ? Cảm giác của người xem khi đến với triển lãm “Bên trong thành phố” của Đoàn Xuân Tùng với “Những giấc mơ kéo dài” của Bùi Quốc Khánh tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) dường như là vậy.

Đoàn Xuân Tùng đã có cuộc hành trình dài từ nông thôn lên thành phố. Anh là người lao động nhập cư, trải qua nhiều biến động từ bao cấp sang đổi mới. Cuộc hành trình xuyên không gian-thời gian để lại trên tác phẩm của anh bao vết khắc. Ở “Trưa vắng” có lẽ toát lên cái tinh thần tiêu biểu xuyên suốt 13 bức tranh trưng bày: những mảng báo trát lên con người vốn đã lấp đầy bởi những mảng tối. Con người, tại một điểm không gian/thời gian nhất định, có sự quan tâm nhất định với những sự kiện gắn bó mật thiết với điểm không gian/thời gian đó. Một câu chuyện truyền tai bên quán trà đá về những bất công xã hội, có thể vô tình tạo ra trong tâm trí người nhận, sang chấn và khủng hoảng niềm tin. Sức sống thời sự của thông tin không tồn tại lâu, nhưng một tinh thần đã chấn thương dưới sức ép của những tin tức đó lại không dễ gì tự hồi phục. Và tổn thương đó không mất đi qua không gian, thời gian mà chỉ lu mờ đi, như từng lớp giấy báo chồng chéo lên nhau, cho đến khi bị phủ đi bởi những lớp trát màu mạnh, những lớp trát của đời sống được cải thiện.

Đoàn Xuân Tùng cố gắng sử dụng một loại chất liệu đã được các bậc tiền bối khai thác trước đó để đưa vào những góc nhìn, quan điểm – đó là giấy báo. Xét ở nhiều phương diện, cả ở cách tạo hình, đề tài, ngôn ngữ hội họa của anh không phải là ‘hiếm’. Cái hay của Đoàn Xuân Tùng ở chỗ đưa được cái tôi của người nghệ sĩ vào trong khuôn khổ duy mỹ có cá tính. Giấy báo thoát ra khỏi khuôn khổ của vật liệu mang tính xã hội như bao diễn giải nghệ thuật người ta đã gán cho nó, đóng vai trò quan trọng trong bố cục và phối màu của tranh. “Ví dụ mảng này sáng sẽ không thể sử dụng một mẩu báo có chữ đậm, có đoạn cần rất nhiều lớp hình ảnh chồng lên nhau để tương phản với đoạn nhiều chữ, có đoạn hình ảnh làm nền sau đó dán chữ đè lên…”.

Đoàn Xuân Tùng – “Trưa vắng”
Đoàn Xuân Tùng – “Cao điểm”

Bùi Quốc Khánh đón nhận xã hội đô thị có phần dửng dưng, nhẹ nhàng phác lại bề nổi mà anh thấy. Ngồn ngộn chi tiết, ngồn ngộn nhân vật, ngồn ngộn nội dung, ngồn ngộn cảm xúc, mỗi chi tiết anh đưa vào tranh đều nhằm mục đích rõ ràng, có ẩn ý riêng, dày đặc yếu tố văn hóa đại chúng tự cổ chí kim, Đông Tây chồng lấn, gam màu đậm và mạnh, đan xen mô-típ vương giả, quyền quý… trong tranh Bùi Quốc Khánh có cái nhìn rất phớt đời, đôi phần bỗ bã, về chuỗi tiếp nối nhiều thế hệ người khó gỡ rối ren. Khánh, với “Trò chơi lòng vòng”, “Võ đài học đường”, vận hết sức bình sinh, rảo bước qua lòng chảo tình người cuồng loạn, rụt rè, thận trọng nhưng không thiếu cuồng ngông, phác lại bằng xương bằng thịt những gì anh thấy bằng đôi mắt trần và tâm hồn đẹp. Mỗi cú đưa mắt của Khánh tựa như một nhát chổi quét qua một tầng xã hội, dính dớp đủ loại màu, nhầy nhụa, nhớp nháp. Chồng chồng lớp lớp những vấn đề đạo đức cá nhân và ý thức xã hội bị nhìn nhận lệch lạc sống dậy một cách tếu táo qua không gian tranh ngồn ngộn sắc màu.

Ngông cuồng, tếu táo là vậy, đến khi xem “Quy đổi” – bức tranh Khánh lấy ý tưởng từ cảm giác mình trả tiền để lấy thời gian của người giúp việc, và “Những giấc mơ kéo dài” – vẽ người phụ nữ phì nộn nằm ngủ, da thịt đã hóa đá mà vẫn nằm mơ, lại thấy bóng dáng của sự trầm ngâm, suy nghĩ. Cả bức “Tự do”, Khánh trằn trọc về đám người trần mặt đất trên cổ đeo khóa, giễu nhại sự tù ải của kẻ bị dây buộc bay bổng giữa không trung. Vậy mới nói, xem tranh Bùi Quốc Khánh thấy được cái duy lý của người nghệ sĩ mộng mơ vật vã chống với đời, sâu cay.

Tinh thần tranh Bùi Quốc Khánh
Bùi Quốc Khánh – “Tự do”

Cái hay nữa vẫn phải kể đến người đã tìm ra hai nghệ sĩ tài năng – giám tuyển Mizuki Endo (Giám đốc nghệ thuật của VCCA) và đặt hai anh cạnh nhau. Nếu làm triển lãm cá nhân, sự thú vị của Đào Xuân Tùng và Bùi Quốc Khánh chưa chắc đã thu hút đông đảo người yêu mến đến thế. Sự đối lập giữa hai nghệ sĩ về thái độ quan sát, phong cách sáng tác trước cùng một đề tài tạo nên một đối trọng cân xứng khiến tiếng nói của mỗi người trở trên nổi bật và mạnh mẽ hơn. Người yêu, xem tranh có thể đi lại giữa hai không gian, đảo phiên giữa từng bức tranh, tự tìm ra cuộc đối thoại giữa giấc mơ và thực tại của riêng mình.

Có thể bạn quan tâm