Giám tuyển Mizuki Endo: “Nghệ sỹ trẻ như trứng trong nôi”

Lại một triển lãm ấn tượng khác được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) trực thuộc Vingroup: “Toả 2”, diễn ra từ ngày 9/6 đến ngày 15/7/2018.

Bước vào thế giới nghệ thuật đương đại từ năm 2017, VCCA nhanh chóng trở thành không gian nghệ thuật đương đại lớn nhất và được xây dựng với chất lượng hàng đầu ở Việt Nam. Hanoi Grapevine đã có dịp phỏng vấn ông Mizuki Endo, giám tuyển người Nhật Bản chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật của VCCA.

 

Ông đã làm thế nào để tổ chức triển lãm này?

 

Họa sĩ Phạm An Hải đã hợp tác với tôi trong triển lãm lần này. Ông gửi cho tôi một danh sách 20 nghệ sĩ trẻ, tôi chọn 5 nghệ sĩ từ danh sách đó, rồi tự mình lựa chọn thêm 5 nghệ sĩ khác: Tạ Minh Đức, Nguyễn Đức Phương, Lê Phi Long, Triệu Minh Hải, và Vũ Đức Trung. Những nghệ sĩ trong danh sách của ông Hải đều là họa sĩ, vì thế tôi quyết định lựa chọn thêm các nghệ sĩ theo đuổi những hình thức nghệ thuật khác như sơn mài, video art, hay nghệ thuật sắp đặt,… để đem tới sự cân bằng cho triển lãm. Họ đều rất tài năng, và tôi rất thích họ.

 

Có câu chuyện nào đằng sau triển lãm này không?

 

Không, chẳng có chuyện gì cả. Lần này, chúng tôi muốn giới thiệu tới công chúng những nghệ sĩ trẻ, đột phá.

 

Theo ông, nghệ sĩ trẻ Việt Nam hiện có chỗ đứng như thế nào trên thế giới?

 

Tôi nghĩ rằng các nghệ sĩ Việt Nam khá đặc biệt, bởi họ xuất phát từ nền văn hoá giàu truyền thống, sau đó trải qua cuộc chiến với thực dân Pháp, quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội, và thời kì sau Đổi mới. Lịch sử Việt Nam có rất nhiều biến động và mang lại môi trường sáng tạo nhiều màu sắc. Các nghệ sĩ trẻ thật sự gắn kết với quá khứ, hơn nữa giờ họ được tiếp cận với internet, và xã hội thông tin. Tôi ví họ như những quả trứng còn nằm trong vỏ, có rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục hiện tại vẫn còn một chút lo ngại, vì thế tôi hi vọng rằng họ sẽ gìn giữ và phát huy những di sản theo chiều hướng tốt nhất.

 

Ông quan niệm thế nào là “nghệ sĩ trẻ”?

 

Ý tôi là “chưa được công nhận”. Tôi không định nói về tuổi tác của họ. “Công nhận” ở đây nghĩa là các nghệ sĩ có tác phẩm được giới thiệu tại các phòng trưng bày nghệ thuật, những người có khả năng bán các tác phẩm của mình, những người được quốc tế công nhận.

 

Ông cho rằng nền giáo dục là một trở ngại?

 

Tôi nhắc đến giáo dục như một quá trình học tập lẫn nhau. Nghệ sĩ, giám tuyển, giáo viên nghệ thuật, khán giả, tất cả họ đều có thể phát triển hơn. Họ có thể tương tác với nhau tốt hơn. Đôi khi họ tranh luận, vì vậy tôi nghĩ rằng tương tác là rất quan trọng. Và trung tâm này (VCCA) là nơi để họ cùng sáng tạo. Chỉ cần một điều nhỏ nữa thôi: tương tác nhiều hơn. Tôi đang cố tạo ra sự tương tác đó.

 

Xu hướng trong thế giới nghệ thuật hiện nay là gì?

Giờ là thời đại của xã hội thông tin, của Youtube, của truyền thông, của internet… Mọi thứ đều không ngừng chuyển động. Nói chung, đó là thực tế, là những gì đang diễn ra, và thế giới nghệ thuật không nằm ngoài dòng chảy này.

Ông đã bắt đầu công việc của mình với VCCA như thế nào?

Tôi nhận được một thư mời, và sau vài cuộc phỏng vấn, tôi đã được nhận. Đây là một thử thách bởi tôi đã hoạt động với tư cách giám tuyển độc lập trong hơn 10 năm. Thêm nữa, tôi còn chưa bao giờ đến Việt Nam trước đó. Nhưng tôi đã hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại các nước khác trong khu vực. Và vì vậy tôi đến Việt Nam để đóng góp cho môi trường nghệ thuật nơi đây, để quan sát một cách tỉ mỉ và hỗ trợ từng nghệ sĩ.
Tôi rất chú trọng công chúng. VCCA được đặt trong một trung tâm mua sắm, rất nhiều người có thể đến và thưởng lãm nghệ thuật. Tôi muốn nâng cao tư duy sáng tạo cho công chúng và đối với họ, VCCA dễ tiếp cận hơn một số không gian nghệ thuật khác.

Ông có thấy mô hình tương tự như VCCA ở những quốc gia ông từng làm việc không?

Có. Nhật Bản có Bảo tàng Nghệ thuật Mori, hay Philippines có Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Thiết kế. Ở châu Á nói chung, những trung tâm nghệ thuật nhà nước chưa được phát triển tốt trong một thời gian dài, nhất là với nghệ thuật đương đại. Hiện tại, các quỹ tư nhân, các công ty tư nhân đang mở những trung tâm nghệ thuật cho công chúng, tất cả đều liên quan đến nghệ thuật đương đại. Nói vậy không có nghĩa là những trung tâm nghệ thuật do nhà nước quản lý đều không tốt, ví dụ như bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thật sự rất tuyệt. Tới mức bạn có thể xem đi xem lại. Đây là nơi mà bạn phải đến xem hàng năm. Nhưng có điều nghệ thuật đương đại hiện đại lại không hiện diện nhiều ở đó. Vì thế, các công ty tư nhân cũng đang hướng đến việc xây dựng những không gian nghệ thuật cho công chúng.

Nói về nghệ thuật đương đại và công chúng, một số khán giả nói với tôi rằng họ sợ mình không thể hiểu được tác phẩm nghệ thuật…

Chỉ cần tận hưởng, chỉ cần cảm nhận. Bạn không cần phải hiểu. Tôi là giám tuyển và đôi khi tôi cũng chẳng hiểu một số tác phẩm (cười). Chúng ta hãy nghĩ thế này: các tác phẩm nghệ thuật luôn mang đến cho chúng ta điều gì đó, chỉ cần đón nhận nó là đủ.

Bài phỏng vấn của Uyên Ly trên Hanoi Grapevine

Ảnh: Tufng

Có thể bạn quan tâm