GIỚI THIỆU CÁC GƯƠNG MẶT CỦA CHƯƠNG TRÌNH ƯƠM MẦM NGHỆ SĨ TRẺ TÀI NĂNG VCCA 2019

GIỚI THIỆU CÁC GƯƠNG MẶT CỦA CHƯƠNG TRÌNH ƯƠM MẦM NGHỆ SĨ TRẺ TÀI NĂNG VCCA 2019 Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) xin hân hạnh giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ trẻ được lựa chọn tham gia chương trình năm nay: Nguyễn Đình Phương, Hà Thúy Hằng, Đoàn Văn Tới, Châu Lê Hoàng Gia. Đây là những cá nhân trẻ tuổi, tiềm năng và tràn đầy năng lượng sáng tạo, thực hành đa dạng trên các chất liệu khác nhau như hội hoạ, điêu khắc, video, trình diễn, âm nhạc,… VCCA rất vui mừng được đồng hành trên chặng đường phát triển thực hành nghệ thuật của các bạn trong thời gian tới.

 

HÀ THÚY HẰNG

Hà Thúy Hằng (1989) tốt nghiệp chuyên ngành Âm nhạc học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2014. Được đào tạo bài bản về nhạc cổ điển, sau khi tốt nghiệp Hằng dấn thân vào âm nhạc đương đại và theo học khoá đào tạo của Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Domdom. Cô quan tâm về tính đương đại trong âm nhạc truyền thống Việt Nam và luôn tìm tòi, sáng tạo cách chơi ngẫu hứng của riêng mình – ứng tác với chất liệu từ âm nhạc và các nhạc cụ truyền thống Việt Nam kết hợp với âm nhạc điện tử và âm nhạc mới. Hà Thuý Hằng là một trong số 7 nghệ sĩ trẻ của Việt Nam được Hội Đồng Anh lựa chọn tham gia FAMLAB 2018 thuộc dự án Di sản Kết nối. Hà Thúy Hằng là người sáng lập và điều hành Dự án Tương lai của Truyền thống - được bảo trợ bởi Quỹ FAMLAB của Hội đồng Anh. Dự án nhằm hướng tới sự phát triển của văn hóa truyền thống kết nối đương đại, có sự tham gia của các nghệ nhân truyền thống và các nghệ sĩ đương đại Việt Nam thực hành với nhiều chất liệu: âm nhạc, phim, trình diễn, sắp đặt, video art.... Hằng cũng đã tham gia biểu diễn tại Việt nam, Đức, Italia, Malta, Hàn Quốc.... và đoạt nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.

Image may contain: 1 person, standing and close-up

NGUYỄN ĐÌNH PHƯƠNG

Nguyễn Đình Phương (1989) tốt nghiệp khoa hội họa tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trong hai năm khi còn là sinh viên Hội họa (2012 – 2013), Phương ở trong một chiếc lều cắm trại và liên tục di chuyển qua nhiều khu vực từ thành phố đến nông thôn, thậm chí cả những vùng hoang vu trên miền núi. Quá trình thử nghiệm này đã dẫn anh tới những cuộc chạm trán thú vị với người dân địa phương, tư liệu hình ảnh về những câu chuyện này đã được anh ghi lại và dựng thành tác phẩm video. Sau khi tốt nghiệp đại học, Phương thường xuyên di chuyển qua lại giữa Hà Nội và Mộc Châu, tiếp tục thể nghiệm với những không gian khác nhau và với chính cơ thể mình. Chuỗi trình diễn tại các vùng nông thôn mà anh thực hiện năm 2017 đặt ra câu hỏi về chuyển động của cơ thể trong mối quan hệ với sự biến đổi về nhận thức và thấu hiểu về không gian cũng như sự hình thành của thế giới. Phương đã tham gia vào một số hoạt động nghệ thuật trong nước và quốc tế, trong đó có triển lãm tại Heritage Space, Á Space, Liên hoan nghệ thuật trình diễn IN:ACT tại Nhà Sàn Collective (Hà Nội, 2018) và liên hoan nghệ thuật trình diễn NIPAF 2019 (Nhật Bản).

Image may contain: 1 person, close-up

ĐOÀN VĂN TỚI

Đoàn Văn Tới (1989) là một nghệ sĩ hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp cử nhân nghệ thuật, chuyên ngành hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đoàn Văn Tới thực hành chủ đạo với ngôn ngữ hội hoạ, sử dụng chất liệu đa dạng như lụa, sơn dầu, chất liệu tổng hợp… Anh quan tâm tới phong cảnh đặc biệt là những cánh đồng rộng lớn và cách mà kí ức cá nhân và tập thể được hiển lộ qua phong cảnh đó, thể hiện bằng bảng màu, cách sử dụng, pha trộn chất liệu cũng như xử lý bề mặt rất cá nhân. Một số triển lãm nổi bật mà anh từng tham gia: Triển lãm Quốc tế Màu nước (IWS) tại Hà Nội (2015), Liên hoan nghệ thuật tại Pulau Ketam, Malaysia (2016), Triển lãm Đồng chất tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM 2016, Triển lãm màu nước kỷ niệm 234 năm thành phố Rattanakosin tại Bangkok, Thái Lan (2016). Anh từng đạt nhiều giải Triển lãm Sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, giải nhì triển lãm Hải Phòng; ngoài ra anh có thời gian tham gia lưu trú sáng tác tại Singapore.

Image may contain: one or more people and outdoor

CHÂU LÊ HOÀNG GIA

Châu Lê Hoàng Gia (1995) là một nghệ sĩ thị giác hiện sinh sống và làm việc tại Gia Lai. Sau khi tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Nghệ thuật Huế năm 2018, Gia tiếp tục nghiên cứu và khám phá các chất liệu khác nhau trong thực hành sáng tác nghệ thuật của mình trong đó có video art, điêu khắc, trực họa... Anh cũng chia sẻ mối quan tâm về cách xử lý, biến đổi vật liệu cũng như cách kết hợp các ngôn ngữ/ loại hình nghệ thuật khác nhau trong quá trình xây dựng tác phẩm. Các tác phẩm của Gia là quá trình chất vấn về vị trí của cá nhân trong môi trường xung quanh, thông qua thực hành quán chiếu những sự vật, hiện tượng mà mình nghe, thấy, và cảm nhận để hiểu rõ hơn về sự hiện diện của bản thân trong bối cảnh sống. Trong thời gian theo học Đại học, Gia tích cực tham gia vào các triển lãm sinh viên tại trường.

Image may contain: 1 person, close-up and outdoor

WORKSHOP VỚI NGHỆ SĨ TRƯƠNG TÂN VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI NHỮNG NĂM 90

Hình ảnh từ workshop với nghệ sĩ Trương Tân - một trong những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn thuộc thế hệ đầu tiên của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Workshop xoay quanh thực hành của anh Trương Tân trong giai đoạn sau Mở cửa, các vấn đề về thử nghiệm chất liệu, đề tài, quan điểm về tự do trong sáng tạo,…
Qua buổi nói chuyện, cá tính mạnh mẽ, cương quyết cũng như sự chân thành, hết mình với nghệ thuật của Trương Tân ‘chạm’ đến nhiều khía cạnh quan tâm của các nghệ sĩ trẻ bởi anh không chỉ chia sẻ về chuyên môn mà còn về cách nhìn nghệ thuật, vai trò của người nghệ sĩ: "Nghệ thuật sinh ra từ những mâu thuẫn trong con người, cho bạn thấy cái vui cái buồn. Nhưng cảm thấy vui khác với chuyện thể hiện cái vui đấy vào nghệ thuật. Bạn phải tập trung và sử dụng tri thức của mình nếu không sẽ chán ngay bởi vì cảm xúc chỉ xảy ra rất ngắn. Phải có tri thức mới thể hiện lại được cảm xúc ngắn ấy".

Anh dành nhiều thời gian để trò chuyện với 4 nghệ sĩ trẻ về "cái tôi" và "cá nhân" trong nghệ thuật: "Khi làm nghệ thuật thì cái cá nhân của mình không còn quan trọng nữa. Cái cá nhân tôi đưa vào tranh là cái CÁ NHÂN của loài người chứ không phải của cá nhân tôi... Lúc nào tôi cũng quan tâm đến xã hội nhiều hơn là con người tôi. Nghệ sĩ phải quên đi chính mình, chỉ phục vụ cho ý tưởng thôi”.

Image may contain: one or more people and people sitting

Image may contain: 1 person, sittingTRÒ CHUYỆN CÙNG NGHỆ SĨ ĐƯƠNG ĐẠI CHIHARU SHIOTA

“Tôi là người Nhật Bản, nhưng khi làm việc tôi chỉ là Chiharu Shiota mà thôi” là chia sẻ của chị đến các bạn trẻ khi có thắc mắc rằng liệu chị tự coi mình là nghệ sĩ Nhật Bản hay nghệ sĩ quốc tế. Chiharu Shiota là nghệ sĩ đã có tác phẩm được trưng bày ở rất nhiều bảo tàng và triển lãm danh tiếng trên thế giới. Năm 2015, chị được chọn làm nghệ sĩ đại diện cho Nhật Bản tham gia triển lãm quốc tế hàng đầu thế giới Venice Biennale. Trong buổi trò chuyện tại VCCA, Chiharu Shiota đã chia sẻ với các nghệ sĩ trẻ Việt Nam những trải nghiệm/kinh nghiệm thực hành nghệ thuật cũng như quá trình hình thành nên "Chiharu Shiota" của ngày hôm nay.

“Nghệ sĩ ngày nay tôi nghĩ họ không chỉ tập trung vào kỹ thuật nữa mà còn ở việc tất cả mọi thứ (vật dụng, chất liệu, sự vật/ sự việc) đều có thể trở thành nghệ thuật. Điều quan trọng là sử dụng suy nghĩ và tư duy của mình để biến tấu, xử lý chúng như thế nào", Chiharu Shiota nói về quan điểm của mình đối với thực hành nghệ thuật.

Image may contain: 1 person, sitting and indoorImage may contain: 1 person, sittingImage may contain: 13 people, people smiling, people standing and indoor

THĂM BẢO TÀNG NGUYỄN VĂN HUYÊN VÀ TRÒ CHUYỆN CÙNG PGS.TS. NGUYỄN VĂN HUY

4 nghệ sĩ trẻ trong chương trình Ươm mầm tới thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên vào một buổi chiều nắng tháng Bảy. PGS.TS. Nguyễn Văn Huy - một chuyên gia về bảo tàng, nhà nghiên cứu dân tộc học có tiếng ở Việt Nam - đã dành cả buổi chiều để chia sẻ với các nghệ sĩ về tầm quan trọng của việc lưu giữ tư liệu, phương pháp kể chuyện từ cách trưng bày hiện vật, thông qua mảnh ghép kí ức của một gia đình cách mạng (mảnh vi sử) cung cấp thêm cách nhìn về lịch sử của Việt Nam hiện đại.

Image may contain: 6 people, people sitting and indoor
TRAO ĐỔI CHUYÊN SÂU VỚI GIÁM ĐỐC NGHỆ THUẬT VCCA MIZUKI ENDO

Sau các buổi workshop với những nghệ sĩ và chuyên gia giàu kinh nghiệm, các nghệ sĩ trẻ có buổi trao đổi chuyên sâu với Giám đốc Nghệ thuật VCCA Mizuki Endo, tổng hợp và tháo gỡ những thắc mắc, băn khoăn, lắng nghe những gợi ý để từ đó định hình hướng phát triển phù hợp cho mình.

"Các bạn đều là nghệ sĩ trẻ và sẽ có rất nhiều câu hỏi. Bạn vừa là một bản thể độc lập, vừa là một phần trong thế giới lớn, và bạn thường mông lung vì những điều đó. Nếu mình là một bản thể độc lập thì mình có hoàn toàn tự do hay không? Hoặc khi tác phẩm mình thấy là tốt mà không được đông đảo mọi người thấy tốt thì nó có tốt hay không? Đây cũng là một mâu thuẫn. Nếu mình là một nghệ sĩ thực sự đặc biệt theo nghĩa không giống ai thì mình sẽ có con đường riêng của mình. Về tính nghệ thuật như vậy là tốt. Nó khác với sự tiêu thụ khi mà mọi người mua một tác phẩm nghệ thuật chỉ vì nhiều người khác thích. Nhưng nếu bạn quá cá nhân thì cũng không phải ai cũng cảm nhận được tác phẩm của bạn. Mỗi nghệ sĩ cần tự tìm ra nhóm đối tượng khán giả của mình. Việc tự do sáng tạo nghe có vẻ là dễ, nhưng hầu hết những ý tưởng hay tác phẩm hiện nay đều đã có người làm trước đó. Điểm tạo nên sự khác biệt của chúng ta là việc chúng ta suy nghĩ về nhóm khán giả của chúng ta là ai. Hãy nghĩ ra ai sẽ hiểu mình, ai sẽ là người cần tác phẩm của mình", Mizuki Endo chia sẻ cách tư duy về tác phẩm và ‘khán giả’.
 
Image may contain: 1 person, sitting and indoorImage may contain: 1 person, smiling, close-up
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Có thể bạn quan tâm