Hỏi chuyện họa sĩ Đoàn Xuân Tùng về loạt tranh “Bên trong thành phố”

Út Quyên viết cho Hanoi Grapevine và VCCA
Ảnh (nếu không có chú thích khác) do nghệ sĩ cung cấp
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Khán giả Hà Nội yêu thích những tác phẩm chất liệu Acrylic kết hợp dán giấy báo trên toan với lối tạo hình phóng khoáng mạnh mẽ, thể hiện con mắt nhìn đời hóm hỉnh của Đoàn Xuân Tùng có cơ hội tái ngộ nghệ sĩ trong một triển lãm cá nhân mang tên “Bên trong thành phố”, diễn ra tại VCCA từ 10/9 đến hết 16/10.

Phóng viên Hanoi Grapevine có dịp ghé thăm xưởng làm việc và nghe anh chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời, và đặc biệt là những thông tin về triển lãm cá nhân sắp tới.

Ảnh: Nguyễn Đức Tùng

Anh có thể chia sẻ đôi điều về triển lãm sắp tới, làm thế nào anh có cơ hội hợp tác với VCCA?

Tôi rất vui được VCCA lựa chọn và mời tham gia chương trình “Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng” (xem thêm ở cuối bài). Trong chương trình này, tôi được tài trợ tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên của mình.

Đoàn Xuân Tùng, Tiếp nước, 160x160cm, acrylic và giấy báo, 2018
Đoàn Xuân Tùng, Về nhà 1, 150x210cm, acrylic và giấy báo, 2016

Tôi lấy tên triển lãm “Bên trong thành phố” vì nó phản ánh tất cả những mối quan tâm của tôi về cuộc sống thành thị. Các tác phẩm trưng bày sẽ tập trung vào hai mảng chính: một mặt hướng tới những câu chuyện kiếm sống thường nhật của những con người lao động nhập cư, một mặt mô tả cuộc sống của tầng lớp trung lưu mới nổi ở nhà chung cư và tận hưởng những tiện ích của các khu cư dân mới này. Khi những người này còn đang thảnh thơi cũng là lúc những người khác đã tất tả lao động. Hai cuộc sống ấy có thể tương phản nhau rất lớn nhưng cùng là hai mặt không thể tách rời của thành phố này.

Tại sao anh đưa chất liệu báo in vào tranh mà không phải là một chất liệu nào khác?

Lựa chọn sử dụng chất liệu báo in xuất phát từ mối quan tâm của tôi về các vấn đề thời sự, chính trị đương thời. Ngoài hiệu ứng về mặt thị giác, nội dung trên báo cũng được tôi sử dụng như một chất liệu mang tính lịch sử nhằm phản ánh sự thực một cách chân thực nhất có thể. Quan sát tác phẩm từ xa, bạn sẽ thấy được tổng thể của bức tranh. Nhưng khi lại gần xem kỹ, bạn sẽ đọc được những tin tức thời sự phản ánh xã hội của chúng ta đang tồn tại vấn đề gì, và chúng đang ta quan tâm đến điều gì… ở trong một giai đoạn lịch sử đó.

Việc sử dụng báo in trong tranh không mới. Từ thời Picasso, ông đã đưa kỹ thuật dán báo vào tranh để tạo hiệu ứng thị giác lạ mắt. Nhưng nội dung tờ báo không được ông tính tới. Đến thời kỳ tranh Pop-art trở thành một trào lưu ở Mỹ những năm sau Thế chiến lần thứ II, các nghệ sĩ sử dụng rất nhiều nội dung trên báo chí phản ánh các vấn đề xã hội đương thời. Tôi cho rằng ở Việt Nam, tuy thời gian có diễn ra muộn hơn, nhưng chúng ta cũng đang trải qua một thời kỳ rất giống nước Mỹ thời gian đó.

Trích đoạn một tác phẩm, Ảnh: Nguyễn Đức Tùng

Những tin tức anh lựa chọn có liên quan đến đề tài nội dung của từng tác phẩm phải không?

Không nhất thiết phải thế. Vì dù chúng ta là ai, đế từ đâu và thuộc giai cấp nào, tất cả đều phải sống trong những tin tức ấy. Chúng tràn qua, nhuốm lên người chúng ta và bạn sẽ không thể tránh được tác động của chúng.

Tôi thường chọn tin tức theo một giai đoạn dài khoảng vài tháng. Việc chọn đủ tin để thực hiện một bức tranh kiểu này không hề đơn giản. Tôi vừa phải đọc rất nhiều để chọn ra những thông tin có nội dung phù hợp. Vừa phải lựa chọn màu chữ, cỡ chữ cho phù hợp với màu sắc của bức tranh. Ví dụ mảng này sáng sẽ không thể sử dụng một mẩu báo có chữ đậm. Có đoạn cần rất nhiều lớp hình ảnh chồng lên nhau để tương phản với đoạn nhiều chữ. Có đoạn hình ảnh làm nền sau đó dán chữ đè lên… Đây là một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ kỳ công.

Đề tài về cuộc sống thành thị dường như là vấn đề xuyên suốt trong các sáng tác của anh. Tại sao anh lại có mối quan tâm đến đề tài này một cách sâu sắc như vậy?

Có thể tôi đã chịu ảnh hưởng từ chính mẹ mình. Mẹ tôi là giáo viên. Bà sống thiên về các giá trị tinh thần hơn là vật chất. Bà rất thích văn học và thường hay kể lại cho tôi những câu chuyện về đời sống con người mà bà đọc được.

Phần nữa là do xuất thân của tôi từ lớp người lao động từ quê lên thành thị, trải qua những giai đoạn biến đổi của đất nước từ bao cấp sang đổi mới, bản thân tôi cũng chuyển biến qua nhiều không gian và giai đoạn sống khác nhau. Do đó các sáng tác của tôi luôn có mong muốn phản ánh các câu chuyện về đời sống con người trong xã hội.

Thăm xưởng họa sĩ, Ảnh: Nguyễn Đức Tùng

Thăm xưởng của anh tôi nhận thấy phong cách của anh có rất nhiều thay đổi. Quá trình này đã diễn ra như thế nào?

Khi còn đi học tại trường Yết Kiêu (Đại học Mỹ thuật Việt Nam – PV), tôi rất chịu khó xem sách vở và tìm hiểu về các họa sĩ trên thế giới. Càng tìm hiểu nhiều lại càng thấy hoang mang vì những gì mình muốn làm thì dường như người ta đã làm hết rồi. Cuối cùng tôi phát hiện ra không nên tự làm khó bản thân. Một tác phẩm tốt không quan trọng ở chỗ bạn vẽ cái gì, mà là ở chỗ bạn làm thế nào để thể hiện được đúng bản chất con người bạn. Tác phẩm nghệ thuật trước hết phải là một thứ gì đó rất cá nhân. Nó như một thứ ngôn ngữ riêng của một người nghệ sĩ không ai giống ai cả. Cho nên tôi bắt đầu từ những gì nhỏ nhất, gần gũi với mình nhất.

Cám ơn những chia sẻ của anh.

———-

Diễn ra trong cùng một thời điểm tại VCCA, hai triển lãm “Bên trong thành phố” của Đoàn Xuân Tùng, “Những giấc mơ kéo dài” của Bùi Quốc Khánh là cuộc chạm trán đối thoại thú vị của hai phong cách vẽ hoàn toàn đối lập nhưng cùng thể hiện mối quan tâm đến các vấn đề cuộc sống đô thị đương thời và cùng khai thác ngôn ngữ biểu hiện của pop-art, theo những hướng rất khác nhau.

Hai triển lãm này nằm trong khuôn khổ Chương trình Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019, dự án của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) nhằm mục đích đồng hành và hỗ trợ nghệ sĩ trẻ Việt Nam phát triển thực hành nghệ thuật. Việc tổ chức triển lãm cá nhân nhằm tạo cơ hội cho nghệ sĩ tiếp cận khán giả và làm quen với môi trường trưng bày chuyên nghiệp, cũng như có cơ hội giới thiệu đến công chúng các tác phẩm mới nhất.

Có thể bạn quan tâm