Khi nghệ thuật 'tấn công' rác thải nhựa

Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, một số triển lãm nghệ thuật như “Hành tinh nhựa”, “Xả rác ít thôi”… đang được trưng bày tại Hà Nội đã góp thêm những tiếng nói khách quan, mạnh mẽ để cùng nhắc nhở mọi người về tác hại của rác thải và thói quen xả rác.

Khi nghệ thuật 'tấn công' rác thải nhựa

Tác phẩm “Lốc xoáy” gây ấn tượng với công chúng. 

Từ “Lốc xoáy” tới “Cơn sóng rác”

Sau gần 4 tuần mở cửa, triển lãm “Hành tinh nhựa” tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã đón gần 50.000 lượt khách tham quan và vẫn đang tiếp tục thu hút công chúng thuộc mọi lứa tuổi đến xem các tác phẩm nghệ thuật. “Tôi rất bất ngờ khi quan sát những tác phẩm này. Tôi đưa các con đến đây với hy vọng sẽ là một cách giáo dục các cháu sống chan hòa với môi trường, biết cách ứng xử với rác thải. Mong rằng mọi người đến với triển lãm để hiểu thế giới của chúng ta đang bị đe dọa bởi rác thải nhựa do chính con người tạo ra”- anh Đặng Quang Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi đến thăm triển lãm.

Không chỉ anh Nam, nhiều người khác bước chân vào triển lãm “Hành tinh nhựa” (mở cửa tới ngày 18/8) cũng có chung suy nghĩ như vậy. Triển lãm này, khác với nhiều triển lãm khác, không bày tranh, tượng, tác phẩm điêu khắc bằng các chất liệu sơn dầu, sơn mài như thông lệ mà sử dụng ngay chính rác thải để tạo thành 4 tác phẩm nghệ thuật: Đại dương, Cánh đồng, Lốc xoáy, Gia đình. Trong đó, gây ấn tượng mạnh với người xem là tác phẩm “Lốc xoáy” cao gần 4 m, dài tới 18 m. “Từ hàng ngàn mẫu rác thải, các nghệ sĩ đã tạo nên một cơn lốc xoáy vào thị giác của người xem. Khiến người ta không thể thờ ơ trước thảm họa rác mà con người đang gây ra cho chính mình cũng như các loài vật xung quanh”- ông Trần Đức Hạnh (Thuận Thành, Bắc Ninh) chia sẻ.

Từ sự quan sát thực tế về môi trường sống ngập tràn nhựa, các nghệ sĩ đã sáng tạo nên một thế giới mà ở đó những yếu tố của tự nhiên như đất, nước, gió được “nhựa hóa”, trở thành cánh đồng ống hút, đại dương nylon… Các tác phẩm được đặt cạnh nhau tạo thành một thế giới nhựa nghệ thuật đầy màu sắc, nhưng gợi nhắc đến thế giới thực tại ngập tràn rác thải nhựa ở khắp mọi nơi: Trong thiên nhiên, trong cuộc sống thường nhật, trong sự sống của mọi loài sinh vật, thậm chí trong cơ thể con người.

Cũng lấy chất liệu từ rác thải, triển lãm “Xả rác ít thôi!” kéo dài đến hết ngày 31/8, tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace (24 Tràng Tiền - Hà Nội) đang đón nhận sự quan tâm của nhiều người.

Bước chân vào Trung tâm Văn hóa Pháp những ngày này, rác là thứ có thể tạo ra những ấn tượng ám ảnh cho công chúng. “Cơn sóng rác”- một tác phẩm sắp đặt trong triển lãm với hàng ngàn chai nhựa, ly nhựa, hộp xốp, túi nilon, ống hút… được kết thành một tấm thảm lớn treo ngược trên trần phòng triển lãm- đã khiến người ta giật mình. “Triển lãm nhằm mang đến một góc nhìn mới về những cách thức sản xuất và tiêu dùng của chúng ta. Mọi thùng rác đều đã đầy tràn, mọi đô thị đều đã quá tải vì rác! Lượng rác thải vẫn không ngừng tăng hằng năm với những tác hại khủng khiếp đối với môi trường và sức khỏe người dân. Vậy hãy nhắc nhau xả rác ít thôi!”- lời giới thiệu ngắn gọn về triển lãm nhưng truyền đi một thông điệp cứng rắn: Xả rác ít thôi!

Với các tác phẩm sắp đặt được xây dựng chủ yếu dựa trên các sản phẩm được tái sử dụng, tái chế để giảm thiểu tác động đối với môi trường, triển lãm “Xả rác ít thôi!” mang đến thông điệp trực tiếp, mạnh mẽ. Triển lãm được xây dựng trong khuôn khổ dự án “Chất lượng thành phố - Chất lượng cuộc sống (QV2)”. Đây là dự án này được văn phòng hợp tác giữa UBND TP Hà Nội và vùng Île-de-France, PRX-Vietnam và Cơ quan Phát triển Pháp phối hợp tổ chức. Với mục tiêu chính là hướng đến làm thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng đối với vấn đề bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải nhựa.

Lay động ý thức sống tối giản

“Liệu nhựa là thế giới của chúng ta hay chính chúng ta đang là thế giới của nhựa?”. Đó là thông điệp gợi mở về những chiêm nghiệm về giá trị của nhựa - một phát minh quan trọng của nhân loại, song qua quá trình sử dụng thiếu ý thức của con người đã gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực với môi trường sống. Từ đó, qua những triển lãm như “Hành tinh nhựa”, “Xả rác ít thôi!” khuyến khích cộng đồng sử dụng đồ nhựa có ý thức, trân trọng môi trường sống hơn.

Không chỉ truyền thông về tác hại của đồ nhựa, các triển lãm đã góp phần lay động ý thức sống tối giản, sống trách nhiệm. Đơn cử như triển lãm “Xả rác ít thôi!” ngoài những tác phẩm, còn giới thiệu các mẹo vặt và những lựa chọn thay thế hết sức thiết thực cho một cuộc sống lành mạnh hơn. Không gian tương tác dành cho trẻ em trong triển lãm sắp đặt “Xả rác ít thôi!” cũng góp phần giáo dục trẻ nhỏ thông qua các hoạt động vui nhộn mang tính giáo dục để xây dựng một đội ngũ đông đảo các bạn trẻ có thói quen “tiêu dùng xanh”, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính mình bắt đầu từ thói quen loại hạn chế tối đa việc xả rác thải nhựa ra môi trường.

Trước đó, triển lãm ảnh “Hãy cứu biển” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng diễn ra hồi đầu tháng 6 vừa qua cũng đã khiến nhiều người “tỉnh thức”. Triển lãm gồm hơn 100 bức ảnh chụp về rác dọc theo chiều dài đất nước được lựa chọn từ hơn 3.000 bức ảnh trong chuyến đi xe máy xuyên Việt với tổng chiều dài hơn gần 7.000km để chụp ảnh về rác năm 2018 của mình. Đây là triển lãm ảnh đầu tiên về rác thải ở Việt Nam trong bối cảnh nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề vô cùng nhức nhối về ô nhiễm môi trường và rác thải. “Tôi mong câu chuyện của mình được lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới cộng đồng, nhằm góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức và thúc đẩy những hành động tích cực của mỗi cá nhân, cũng như góp tiếng nói của một công dân tới các cơ quan quản lý, ban hành chính sách trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa, cứu đại dương...”- nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

Có thể nói, thông qua các triển lãm nghệ thuật, các nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia đã để rác cất lên tiếng nói riêng, tạo ra những hiệu ứng khá tích cực. Những tiếng nói nghệ thuật này đã hàm chứa nhiều thông điệp mạnh mẽ góp phần đánh động vào ý thức xả rác, sống có trách nhiệm trong cộng đồng.

Mai Anh - Đại Đoàn Kết

Có thể bạn quan tâm