Là ĐẤT hay là NGƯỜI

Lý Trực Sơn đặt tên triển lãm này là Đất, một chữ nhưng tải được nhiều chuyện và đương nhiên không chỉ là chất liệu.

 

Những năm đầu thế kỷ 80 của thế kỷ trước, Lý Trực Sơn đã là một “ông kễnh” trong làng hội họa nổi đình nổi đám với bộ tranh Vân dại, chất liệu màu nước trên giấy dó. Đến đoạn giữa, sau khi ngao du trời Âu mươi năm, ông trở về chốn cũ, lầm lũi, im lặng hơn, tập trung làm việc kiểu tịnh tâm để rồi mùa thu 2009, ông có một triển lãm rất thành công, triển lãm Chốn này, chỉ với một chất liệu sơn mài truyền thống. 

 

Thành danh với giấy dó và sơn mài. Gắn chặt tên mình với một đề tài, một đề tài lớn, làng quê Bắc Bộ. Xét dưới góc độ lịch sử mỹ thuật, thì Lý Trực Sơn cùng vài ba người nữa là những tác giả báo hiệu cho một thời kỳ mới là hội họa đổi mới. 

 

Sau triển lãm Chốn này, người ta lại không thấy ông đâu nữa, nghe “giang hồ” đồn thổi, ông đang say mê tìm tòi thể nghiệm một loại màu gì đó hoàn toàn tự nhiên, tự chế tác từ cây cỏ, đất cát… rất bí hiểm. 

 

Nghệ thuật hay ở chỗ, nó làm cho ta không thể an lòng, làm ta luôn trăn trở, luôn muốn gạt đổ bàn tiệc, luôn muốn xóa hết đi, làm ván mới.

 

Nghệ thuật không bao giờ là xong rồi giống như yêu, không có yêu xong rồi. Đã ngoại thất tuần, Lý Trực Sơn bỗng đột ngột xuất hiện, đột ngột “hạ sơn” với một triển lãm khủng, không giấy dó, không sơn mài mà là hội họa không hình, chả còn thấy đồng quê, cổng làng, trâu bò, răng đen, khăn mỏ quạ…đâu nữa hoặc có thể hiểu những hữu hình ấy đã được Lý Trực Sơn chắt lọc, mơ mộng, trốn tìm thành những ký hiệu đầy ngẫu nhiên, đầy tình cờ, nó chiếm đến 99% trong một bức tranh, phần lý, tư duy duy lý chỉ còn lại 1% thôi. Nhưng trong nghệ thuật thì 1% lại luôn >99%. Cố nhiên rằng nếu chỉ tình cờ thì mới là trò chơi, còn chỉ thuần có lý, thì đó mới là một thứ hội họa – não, hội họa xã luận. 

 

Nếu không có 1% tình cờ ngẫu nhiên vu vơ, bất khả giải thì không có nghệ thuật. Nghệ thuật phải chủ quan, sai cũng được nhưng dứt khoát phải chủ quan. Thế giới khách quan phải được nhìn bằng con mắt chủ quan của người nghệ sỹ. Phần lý cho dù bất luận được biểu đạt ra sao, màu, bố cục, bút pháp, đắp nổi, cào xước, tạo chất gì gì cũng vẫn phải là lý trí một cách tình cờ. 

 

Trở lại chuyện chắt lọc hiện thực hữu hình của Lý Trực Sơn để thành ký hiệu. Đó là trên một cái nền gần như một màu dầy xốp kiểu cát, vữa là những nét mảnh, liền mạch, những đường cong, những mảng tròn, những dấu +, -, dấu (…) ba chấm, ba vạch liền như quẻ Càn, những hình gì đó như sỏi đá, như cái cổng, cửa, như một người (như thôi) hoặc vài ký tự như cổ tự…

 

Gọi là chắt lọc thôi chứ chắt bằng gì mới khó, mới là đáng bàn. Có lẽ Lý Trực Sơn chắt bằng chính hơn 50 năm hành nghề, bằng sống, bằng chìm nổi, bằng đi về, bằng im lặng, bằng tĩnh, bằng trực cảm, bằng…

 

Lý Trực Sơn đặt tên triển lãm này là Đất, một chữ nhưng tải được nhiều chuyện và đương nhiên không chỉ là chất liệu. 

 

Đất, cát, sỏi đá… là nó mà cũng không chỉ là nó. Nó hữu hình mà cũng lại vô hình. Vẽ kiểu thực, kiểu nhiều khác hẳn với vẽ không hình, tối giản ở chỗ thời gian. Một người trẻ có thể vẽ một bức tranh phong cảnh nhà cửa, sông ngòi núi non rất đẹp nhưng vẽ trừu tượng mà lại trừu tượng tối giản thì dễ gì? Đã có tuổi đâu, đã sống đâu mà vẽ như không vẽ?

 

Đất là thổ, là đi-về, tất cả đều ở thổ ra rồi lại về với thổ. 

 

Đằng sau Đất chắc hẳn còn nhiều chuyện, đi về, sinh diệt, được mất, vui buồn, hạnh phúc bất hạnh, chuyện của riêng Lý Trực Sơn mà cũng là chuyện của mỗi người, chuyện cõi người. Trong đất có người – trong người có đất.

 

Xin trân trọng giới thiệu triển lãm Đất đến cộng đồng yêu nghệ thuật.

 

Lê Thiết Cương

Đăng số 19 Tia Sáng, ngày 09.10.2024

https://tiasang.com.vn/van-hoa/la-dat-hay-la-nguoi/

Có thể bạn quan tâm