LOONG KOONG - Phản chiếu về chính bối cảnh văn hoá và xã hội đương đại Việt Nam
Tác phẩm triển lãm "Loong Koong".
Gốm sứ là một chất liệu cổ xưa truyền thống và có sự lan toả rộng rãi ở khắp các nền văn minh của nhân loại. Như Susan Kooi đã nói “Lịch sử loài người thường được kể qua đồ gốm sứ*”, sự đa dạng của các chất đất cũng như kỹ thuật xử lý gốm theo không gian và thời gian đã khiến cho gốm trở thành một nhân chứng lịch sử sinh động cho tiến trình phát triển của con người. Tuy vậy gốm sứ vẫn luôn bị gắn với truyền thống thủ công mỹ nghệ. Chỉ trong những năm gần đây, qua những cuộc tranh luận giữa nghệ thuật và thủ công, giữa ‘high art’ và ‘low art’, những biến thể và những dòng chảy hồi sinh mới từ gốm sứ và các chất liệu thủ công mới tạo nên những biến chuyển cho toàn cảnh nghệ thuật đương đại. “Loong Koong” được bắt nguồn từ một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu và nghệ sĩ Bùi Quốc Khánh. Đối với Bùi Quốc Khánh, anh lần đầu tiếp cận gốm với tư cách một người học – một người chơi – một người thử nghiệm; còn với Trịnh Vũ Hiếu với kinh nghiệm và những kiến thức tích luỹ từ lâu năm anh vừa là một người thầy – người lưu trữ - người kể chuyện. Điều này được bày tỏ và tượng trưng trong hai phần Loong và Koong của không gian triển lãm – như một ẩn dụ cho Truyền thống – Chuyển tiếp – Đương đại, tất cả hoà quyện và đan xen không tuyến tính thời gian, không gian và thứ bậc.
Điều gắn kết và thôi thúc Trịnh Vũ Hiếu và Bùi Quốc Khánh có lẽ là tình yêu và sự đam mê mạnh mẽ với các chất liệu dân gian và truyền thống, cũng như những câu hỏi lớn về căn tính dân tộc và lịch sử. Qua hai thế giới quan dường như rất khác nhau những giá trị truyền thống hay nguồn cảm hứng dân gian lại được thể hiện hết sức phong phú và đa dạng trong một loạt 48 tác phẩm của các nghệ sĩ. Nếu Trịnh Vũ Hiếu vẫn trung thành với những mô tuýp các bình lọ gốm và thẩm mỹ, tạo hình của tranh Hàng Trống thì với Bùi Quốc Khánh, anh tìm cách loại bỏ hình khối cơ bản của các bình lọ cũng như kết hợp với các chất liệu và hiệu ứng đặc biệt để tạo nên những biểu hiện hoàn toàn mới cho những nhân vật dường như quá quen thuộc đến những nhân vật của thế giới hiện đại. “Loong Koong” như một phản chiếu về chính bối cảnh văn hoá và xã hội đương đại Việt Nam nơi mà những xung động giữa quá khứ, hiện tại, tương lai giữa những giá trị cũ và những giá trị mới đang len lỏi và tồn tại song song. Hơn tất cả, những xung động, tương phản này không hề tạo nên những mâu thuẫn và đứt gãy quá lớn mà thay vào đó những trăn trở, băn khoăn với thời cuộc cũng được chuyển hoá một cách hết sức tinh tế, ý nhị và hài hước với một thái độ an nhiên, bình thản.
*Susan Kooi, Yamatai Koku, (Heijningen, Lonely Planet & Jap Sam Books, 2017), p.12