Bước vào “vũ trụ hội họa” của Van Gogh
Ghi chép và cảm nhận của Nguyễn Đức Tùng cho Hanoi Grapevine và VCCA (*)
Không sao chép hay đăng tải lại nếu không có sự đồng ý của tác giả và Hanoi Grapevine
* Bài viết có sử dụng lời giới thiệu từ họa sĩ Vũ Đỗ trong buổi art tour ngày 9/3/2019 và các tư liệu về cuộc đời Van Gogh tại website vangoghmuseum.nl
Không phải ai cũng có thể tiếp cận tới những bản tranh nguyên gốc của danh họa Vincent Van Gogh một cách trực tiếp. Hầu hết đều xem qua máy tính hoặc điện thoại với màn hình nhỏ và không rõ ràng về chi tiết. Với mục đích đưa nghệ thuật tới gần hơn với công chúng, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) tổ chức triển lãm “Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm” trình chiếu 35 tác phẩm của danh họa Hà Lan bằng những máy chiếu có độ phân giải rất cao trên khổ lớn. Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 8/3 đến 9/4/2019.
Mỗi bước đi sâu hơn vào “ngôi đền Van Gogh”, khán giả càng choáng ngợp bởi những màu sắc rực rỡ, hình khối lạ mắt và những cảm xúc khó có thể diễn đạt bằng ngôn từ. Không chỉ tổng thể bức tranh mà từng nét cọ Van Gogh đều đong đầy những xúc cảm mãnh liệt.
Từ ngọn đồi Montmartre, Van Gogh vẽ khung cảnh phía nam Paris. Ở phần tiền cảnh, các ngôi nhà và những tòa nhà hoành tráng của thành phố có những đường viền rất rõ nét. Càng về xa, những đường viền đã mất đi và những ngôi nhà cũng mất dần chi tiết. Điểm đặc biệt của bức tranh là nền trời. Chiếm diện tích lớn trong bố cục của bức tranh, hầu hết bầu trời được Van Gogh vẽ bằng màu tối như xanh đậm, xám, thậm chí cả hung đỏ cùng nhiều vết cọ đứt đoạn. Không khí u ám, có phần hỗn độn “đè” lên một thành phố phồn hoa.
Một cảm giác bất an bắt đầu “thức giấc” trong tâm trí!
Bức tranh ngay lập tức thu hút sự chú ý của khán giả. Họ một lần nữa lại phải “hứng chịu” từng đợt “công phá” của màu xanh. Vincent Van Gogh sử dụng rất nhiều nét chấm để tạo chi tiết cho tác phẩm – khác hoàn toàn so với loạt tranh còn lại. Từng nét như những điểm ảnh, tổng hòa với nhau kéo người xem vào một thế giới tuy có nền trời và những mái nhà lạnh lẽo của màu xanh nhưng lại có sự ấm áp từ màu vàng và đỏ của những tòa nhà. Theo những ghi chép về cuộc đời Van Gogh, vị danh họa đã rất trân trọng những thời khắc được ở cùng người em trai yêu quý Theo tới mức ghi tạc từng chi tiết vào trong trí nhớ.
Bước theo những “màn” tranh của danh họa Van Gogh, ta sẽ nhận ra mỗi tác phẩm đều là một “chiến trường” kịch liệt của hai màu sắc xanh và vàng, của lạnh lẽo và ấm áp, của u ám và rực rỡ. Những cặp trạng thái ấy cộng thêm thủ pháp của những nét cọ tạo cho mỗi khán giả một cảm xúc mãnh liệt khác nhau.
Nếu để ý cách Van Gogh xây dựng bố cục và điểm nhìn, khán giả sẽ chợt nhận ra ông đã thể hiện nỗi cô đơn một cách đầy dữ dội và trực tiếp. Các tác phẩm nếu được Van Gogh vẽ ở cỡ cảnh rộng thì sẽ rất ít người hoặc thậm chí không có người. Ngược lại, những bức vẽ cận cảnh thì chủ thể chiếm phần diện tích rất lớn. “Con người” trong những bức họa của Van Gogh hoặc bị đặt trong sự lạc lõng giữa một không gian bao la, hoặc phải chen chúc nhau dưới sự đè nén của khung hình.
Phần đông mọi người tới triển lãm Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm có lẽ đều mong chờ bức họa nổi tiếng “Starry Night” (Đêm đầy sao, 1889). Tác phẩm được trình chiếu tại khu vực trung tâm của triển lãm ở kích thước lớn hơn nhiều so với phiên bản gốc.
Nếu như bạn đã từng được thấy bức tranh “chuyển động” trên màn hình điện tử ở nhiều cách hiển thị khác nhau như hình ảnh ba chiều, góc nhìn 360 độ hay các hiệu ứng hình ảnh chuyện động,… thì khi đứng trước phiên bản “Đêm đầy sao” được trình chiếu một cách đơn giản và tĩnh tại ở VCCA, bạn sẽ nhận ra tự bản thân bức họa đã là cả một miền không gian sống động. Nếu lùi ra xa quan sát tổng thể, khán giả cảm thấy mình như dần chìm vào thế giới mà ở đó sự lạnh lẽo và cô đơn của rất nhiều sắc xanh đang “ngự trị”. Chẳng cần phải quá bận tâm suy đoán đó là sao, là mây, là gió hay là cây, những đường cọ của Van Gogh cứ cuộn lên rồi lại chìm xuống tạo thành nhịp chảy vô tận của không gian, thời gian.
Suốt cuộc đời, Van Gogh là một con người cô độc và chịu nhiều hắt hủi bởi người ta coi ông là một kẻ điên với ý chí tự sát. Bức “Đêm đầy sao” Van Gogh đã vẽ từ chính ô cửa sổ bệnh viện Saint-Rémy-de-Provence tại thành phố Arles, miền Nam nước Pháp, nơi ông đang được điều trị tâm lý sau khi vừa tự cắt tai. Làm sao một người “điên” có thể vẽ được một bức tranh đầy mãnh liệt của sự sống đến thế?!
Tới những tác phẩm cuối cùng của cuộc đời, Van Gogh vẫn trung thành với cặp màu vàng-xanh. Trái với sự vận động cuồng nhiệt của sự vật, ánh sáng và cả không khí trong bức “Đêm đầy sao”, những bức vẽ tĩnh vật của vị danh họa có tính “kỉ luật” rất cao. Tuy rằng có những bông hoa bị héo do thời gian vẽ quá lâu, bức tranh vẫn có chiều sâu và sinh động. Từng cánh hoa đều được Van Gogh chăm chút rất tỉ mỉ về hình dáng, màu sắc cũng như ánh sáng.
Bước ra từ “vũ trụ hội họa” của Van Gogh, những ấn tượng thị giác và cảm xúc cô đơn ắt sẽ còn đọng lại trong những ai đã thả hồn mình trôi đi trong “vũ trụ” ấy. Hãy giữ lấy, trân trọng và lắng nghe những lời tự sự của vị danh họa cô đơn dội về tâm trí.
Các tác phẩm khác tại triển lãm: