NGHỆ THUẬT LÀ DÀNH CHO TẤT CẢ. CHÚNG TÔI LUÔN MỞ CỬA CHO MỌI NGƯỜI.
Viết bởi ULY và Nguyễn Đức Tùng cho Hanoi Grapevine
Vui lòng không sao chép, đăng tải lại dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận của tác giả và Hanoi Grapevine.
Chính thức khai trương vào 6/6/2017, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) đã trở thành một địa điểm được biết đến – không chỉ dành riêng cho cộng đồng nghệ thuật. Hanoi Grapevine đã có buổi trò chuyện với giám tuyển Mizuki Endo, cùng nhìn lại chặng đường mang nghệ thuật đến với tất cả mọi người.
Sau một năm rưỡi, triển lãm nào ông đánh giá là thành công nhất và ông định nghĩa thế nào về thành công?
Tôi không thể chỉ nói riêng một triển lãm, bởi triển lãm nào cũng có những nét đặc trưng riêng, tác động tới mỗi khán giả theo một cách hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như triển lãm “Dế Mèn phiêu lưu ký – Chạm tới những thế giới”, tôi thấy mọi người ở các thế hệ đều cảm thấy thích thú, đặc biệt là trẻ em. Cũng có thể nhắc đến triển lãm “Phân mảnh” của nghệ sĩ Hiraki Sawa. Có rất nhiều người đã tới dự triển lãm này để chiêm ngưỡng chuỗi sắp đặt video vô cùng độc đáo, chưa từng thấy trước đây. Triển lãm “Tỏa 2” – trưng bày tác phẩm của những nghệ sĩ trẻ đang dần khẳng định tên tuổi. Mỗi triển lãm có mục tiêu riêng, và mỗi triển lãm đối với tôi đều quan trọng như nhau.
Điều gì khiến cho VCCA khác biệt với các không gian nghệ thuật khác?
Đầu tiên phải kể đến là cơ sở vật chất tại VCCA được đầu tư ngang tầm với các không gian nghệ thuật lớn trong khu vực và trên thế giới. Là một trung tâm nghệ thuật phi lợi nhuận, các triển lãm và sự kiện của VCCA đều được mở cửa miễn phí cho công chúng. Ngoài ra, từ năm 2019, chúng tôi bắt đầu triển khai chương trình phát triển những nghệ sĩ trẻ tài năng.
Quan điểm của VCCA về việc thu hút khán giả?
VCCA nằm trong một trung tâm mua sắm và chúng tôi không thu phí vào cửa, vậy nên mọi người có thể dễ dàng đến với VCCA. Và điều này thực sự tích cực, bởi vì thông thường không phải ai cũng tiếp cận được các sự kiện nghệ thuật đương đại. Với tư cách là một giám tuyển, tôi tin rằng nghệ thuật là dành cho tất cả mọi người, mọi thế hệ, mọi giới tính, … Thật tuyệt vời khi VCCA được đặt tại một không gian mở như vậy.
Nhưng, mọi người thường mong đợi một sự giải trí, một loại sự kiện công cộng dễ hiểu. Tôi biết một số triển lãm của VCCA đôi khi hơi khó hiểu. Tuy nhiên thưởng thức nghệ thuật không phải là một sự tiêu thụ, hay sở hữu một cái gì đó. Tác phẩm nghệ thuật đặt ra cho bạn câu hỏi, không phải câu trả lời. Có sự tương phản rõ rệt giữa những triển lãm như của Hiraki Sawa, Thu Vân Trần… với các rạp chiếu phim nơi bạn đến mua bỏng ngô và xem những bộ phim thương mại. Nhưng đến VCCA để xem triển lãm thì khác. Bạn không cần phải trả bất kỳ khoản tiền nào, tuy nhiên đôi mắt của bạn có thể bắt gặp những hình ảnh không-dễ-hiểu, chẳng có câu chuyện cũng chẳng có kết luận. Bạn chỉ cần thả trôi mình giữa các hình ảnh và bạn sẽ tìm ra những ý nghĩa mà chỉ bạn mới cảm nhận được. Chúng đến từ kinh nghiệm của bạn, trí nhớ của bạn, cuộc sống của bạn. Vì vậy, ý nghĩa đó chỉ dành cho bạn.
Lượng khán giả đến VCCA có tăng lên theo thời gian?
Số lượng khán giả sẽ tùy theo từng triển lãm. Nhưng tôi rất vui khi nhiều bạn trẻ ghé thăm VCCA để xem những hình ảnh, những tác phẩm nghệ thuật mới. Không dễ để giới trẻ chấp nhận nghệ thuật đương đại. Bạn phải có đầu óc cởi mở và trí tò mò. Tôi không thể so sánh liệu chúng tôi có đủ khán giả hay chưa, nhưng tôi luôn thích có nhiều khán giả hơn nữa.
Đối với tôi, tất nhiên số lượng khán giả là khía cạnh quan trọng. Thế nhưng điều quan trọng hơn là VCCA luôn ở đó, và luôn có gì đó để trưng bày. Tôi hy vọng mọi người nhớ đến điều này. Tôi mong mọi người khi có thời gian rảnh, có con, hay đã trở thành ông bà, mỗi khi nghĩ: “Này, tôi cần nghệ thuật” thì hãy đến với chúng tôi. Trung tâm nghệ thuật của chúng tôi luôn mở cửa cho tất cả mọi người. Đó là điều quan trọng.
Nếu chúng tôi muốn nhiều khán giả hơn, chúng tôi có thể tạo ra những sự kiện ngoạn mục, bắt mắt, nhưng chúng tôi muốn tạo ra điều gì đó đủ phức tạp, và đủ đa dạng. Chúng tôi không đem đến cho khán giả chỉ một chủ đề duy nhất, một ý nghĩa duy nhất.
Theo ông, những nghệ sĩ trẻ Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn gì?
Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là có một ước mơ, một niềm tin vào sức mạnh của nghệ thuật, những gì nghệ thuật có thể làm cho xã hội, những ảnh hưởng của nó tới thế giới. Nếu bạn coi nghệ thuật chỉ là kĩ thuật làm ra tác phẩm đẹp, thì bạn chỉ đang là thợ thủ công mà thôi. Tôi hy vọng các nghệ sĩ tin rằng nghệ thuật rất có tính ảnh hưởng, nó làm mọi người hạnh phúc. Đôi khi những tác phẩm nghệ thuật có thể thay đổi cả xã hội, thay đổi khái niệm về cái đẹp, về cách sống… Tiền không thể làm người ta hạnh phúc.
Các nghệ sĩ được lợi thế nào từ VCCA?
Như tôi đã nói, VCCA chào đón tất cả mọi người. Và chỉ riêng không gian nơi đây thôi cũng là một thông điệp dành cho các nghệ sĩ: sự tự do tạo ra những tác phẩm công phu xuất phát từ sáng tạo thuần khiết. Và tác phẩm nghệ thuật chính là sự chia sẻ điều gì đó quan trọng với công chúng. Tôi hy vọng không gian này giúp nghệ sỹ đào sâu suy nghĩ hơn nữa và tạo ra những giá trị nghệ thuật mới.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!
Một số hình ảnh từ những triển lãm khác trong chặng đường mang nghệ thuật tới tất cả mọi người của VCCA: