Nhiều cung bậc cảm xúc với triển lãm “TỎA 3″
Ảnh của Phan Đan và VCCA
Video bởi Phan Đan
Diễn ra từ ngày 20/12/2019 đến ngày 23/2/2020 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), Tỏa 3 gây ấn tượng mạnh với hơn 50 tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam và quốc tế được trưng bày trong điều kiện không gian và ánh sáng tối ưu. Được chọn lựa kỹ càng bởi hai giám tuyển: Giám đốc Nghệ thuật VCCA Mizuki Endo và nhà nghiên cứu nghệ thuật/giám tuyển độc lập Đỗ Tường Linh, các tác phẩm tại Toả 3 mang đậm dấu ấn cá nhân của từng nghệ sĩ, đồng thời cho thấy sự đa dạng và mới mẻ trong thực hành nghệ thuật đương đại: từ chủ đề, ý tưởng, cho đến hình thức thể hiện: điêu khắc, tranh, video art, sắp đặt.
Toả 3 đã hướng người xem nhìn sự vật sự việc xung quanh mình một cách đầy gợi mở, và người xem triển lãm đã được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau với từng khu tác phẩm.
Cảm giác choáng ngợp xuất hiện khi người viết đứng trước pho tượng hình thành từ đất sét và xốp mang tên Appollo và Tô của Nguyễn Đình Phương. Với chất liệu thân thiện và gần gũi với đa số người dân Việt Nam, cùng hình ảnh chú chó Tô ngồi yên dưới chân Apollo như một sự chờ đợi, tác phẩm đã gợi ra thắc mắc rằng tại sao lại là Apollo? Hay tại sao ánh mắt của Tô lại mang chút buồn bã? Tô chờ đợi điều gì ở con đường nhỏ trước mặt? Apollo có vẻ đang chau mày nhìn xuống và thấy gì về chúng ta, những con người đang ngước mắt nhìn lên vị thần Hy Lạp? Tại sao Appollo và Tô được đặt cạnh nhau?
Video Apollo and Tô – tác phẩm sắp đặt video 2 kênh của Nguyễn Đình Phương được trình chiếu tại window display (cửa sổ trưng bày) của VCCA, tuy có cùng nhan đề với tác phẩm điêu khắc/sắp đặt kia, nhưng hình thức lại không hề liên quan hay gợi liên tưởng đến tác phẩm cùng tên. Rất nhiều câu hỏi được gợi ra từ đây. Tại sao lại thế? Sự mơ hồ của những bóng người đi lại trên màn hình kia có gì liên quan đến ẩn ý mà tác giả muốn chuyển tải? Những sự không liên quan đặt cạnh nhau nói lên điều gì về cách chúng ta xếp đặt cuộc sống này? Và chúng ta nhận thức về điều đó ra sao?
Là nỗi sợ thốt lên được thành tiếng “Trời ơi!” và sự thảng thốt thể hiện rõ qua biểu cảm trên khuôn mặt khi ngắm nhìn từng chi tiết gài cắm trong bộ tác phẩm “Lò mổ” của Nguyễn Văn Đủ. Với chất liệu tổng hợp, Đủ đã vẽ lên những bức tranh đầy tính hiện thực và bạo liệt trong từng nét bút đặc tả tỉ mỉ một quang cảnh mà không phải bất kì ai cũng có cơ hội chứng kiến, hay có thể nói là mong muốn được chứng kiến trực tiếp: quang cảnh lò mổ. Chú tâm quan sát những bức tranh giết mổ đầy ám ảnh, hay ánh mắt buồn bã và làn mi rậm rủ xuống của chú bò con, nhiều người vừa xem và nhận ra điều trước mắt mình là gì liền vội vã quay lưng bước đi, vừa nói “Em cảm thấy không muốn ăn thịt nữa!”. Có lẽ khi nhìn thấy phản ứng của người xem, Đủ sẽ cảm thấy rằng mình đã thành công với bộ tác phẩm này chăng?
Các tác phẩm điêu khắc của Lương Trịnh trên đá đen được đặt tiếp nối ngay sau đó. Tác phẩm đá bóng bảy được sắp đặt dưới ánh sáng vô cùng tinh tế với những đường nét bóng đổ thu hút, như một sự tĩnh lặng xoa dịu tâm trạng người xem sau cú sốc của loạt tác phẩm màu cam, đỏ nâu ám ảnh của Nguyễn Văn Đủ. Cảm giác về cái đẹp, cổ kính lẫn với huyền thoại, được thể hiện qua những đường nét chạm khắc mềm mại và uyển chuyển.
Phan Anh mang đến triển lãm tác phẩm sắp đặt “6m vuông từ năm 79” với câu chuyện từ hiện thực của gia đình của bản thân, nhưng cũng chất chứa trong đó những suy tư về câu chuyện của cộng đồng, về sự “vật đổi sao dời” của thời gian, không gian và cuộc đời con người. Ngoài ra sự tương tác thích nghi giữa con người với thế giới tự nhiên cũng được thể hiện trong tác phẩm, cho thấy câu chuyện sinh tồn trong môi trường vốn đã khắc nghiệt.
Series tác phẩm của Andrea Orejarena và Caleb Stein được thể hiện thông qua nhiều chất liệu cũng như cách thức khác nhau, từ in phóng ảnh trên giấy bạc, carbon, in lụa, cho tới tranh vẽ mực, tranh màu nước cho tới video được dàn dựng lồng ghép công phu và tỉ mỉ. Tìm về ký ức chiến tranh thông qua những câu chuyện ở Làng Hữu Nghị, cặp nghệ sĩ trẻ đã cùng với cộng đồng nơi đây làm nên các tác phẩm – như một quá trình đồng sáng tạo, đầy cảm xúc và sự gắn bó.
Ấn tượng nhất trong cách thức thể hiện của những tấm hình treo trên tường có lẽ là bức ảnh chụp tại đám cưới với hình thù những chiếc máy bay không chiến được vẽ thẳng lên bản in bằng bút mực, phải chăng là một sự hồn nhiên mang trong mình nỗi đau từ vết thương chiến tranh?
Video Long time no see – Đã lâu không gặp bởi Caleb Stein & Andrea Orejarena – tác phẩm sắp đặt video 3 kênh mở ra một thế giới tách biệt với 3 màn ảnh rộng liền kề nhau. Bằng một tấm bảng nhỏ giải thích về quá trình lên ý tưởng và dàn dựng video, người xem có thể hình dung và hiểu rõ hơn về dụng ý trình bày của tác phẩm. Dư âm đọng lại nhất trong lòng người xem có lẽ là tiếng vang vọng du dương và gần gũi trong lời hát ru của người cựu chiến binh. Những tiếng à ơi à ơi vang mãi trong không gian tĩnh mịch.
Sắp đặt “Khởi nguồn của sắc màu của Quỳnh Lâm”, sử dụng màu thực vật và hoa đã mang đến cho khu triển lãm một không gian đầy rực rỡ và mộng mơ, nhưng đang biến mất dần trong chính sự tàn úa của tự nhiên. Sử dụng những bông hoa thật là một ý tưởng táo bạo, bởi, so ra trong toàn bộ triển lãm thì tác phẩm của Quỳnh Lâm là tác phẩm duy nhất có sự thay đổi, biến hóa mỗi ngày.
Với tác phẩm “Đây là câu chuyện của tôi đấy” vẽ bằng acrylic trên tường, Nguyễn Văn Duy đã đặt ra vô vàn câu hội thoại với chính mình, và không cung cấp cho người xem bối cảnh nào cụ thể của câu thoại. Nhưng có lẽ đâu đó trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cũng có những lúc tìm thấy mình vô thức nói những điều tương tự với bản thân. “Ít ra cũng bỏ được nó, như vậy chẳng phải tốt hơn sao?!” “Ồ không, Duy! Nó bây giờ mới bắt đầu! Cậu cũng biết điều đấy mà!”
Hình ảnh chú Thỏ xuất hiện trong hình dáng nửa người nửa thú kiểu pop art, cùng giọng điệu có chút mỉa mai châm chọc, có chút cô độc và lãnh đạm, khiến ta dấy lên đôi chút ngờ nghi. Ta sẽ coi đó là gì? Là Người trong lốt Thỏ? Là Thỏ trong lốt Người? Hay là Duy trong lốt Thỏ? Đó là một cái đầu thật hay là một lớp mặt nạ? Một thân hình trần trụi đi cùng một khuôn mặt Thỏ khiến cho người xem đặt ra vô vàn thắc mắc. Tác phẩm dường như thể hiện cái tôi ẩn khuất giữa những mơ hồ, vừa cụ thể vừa không chắc chắn, và hình như đau đớn.
Trong khi 7 tác giả trước đó luôn sử dụng chất liệu mang tính thực thể vật chất nhất định trong cách trình bày và thể hiện thì bộ 3 tác phẩm sắp đặt video của Tristan Jalleh lại được tạo nên hoàn toàn bằng những hình ảnh kĩ thuật số hư cấu bởi phần mềm Apple Motion5 với những lát cắt ghép hình ảnh của thiên nhiên và phố thị, của những thế giới chỉ tồn tại trong mạng ảo, và hoàn toàn không có bóng dáng con người. Con người duy nhất xuất hiện trong khu vực tác phẩm của Tristan chính là những người xem, những vị khán giả, những người đến rồi đi. Con người luôn mang trong mình nỗ lực của lòng ham muốn lưu trữ những giá trị thực tự nhiên, nhưng những bức ảnh, những video mà ta có được luôn chỉ mang màu sắc và âm thanh gần thực, chứ không bao giờ đạt được đến được chất lượng của những gì tai ta nghe, mắt ta thấy, và cả cơ thể ta cảm nhận. Liệu có phải vì thế mà Tristan lại lựa chọn mang tới một thế giới không thực nhất, với những màu sắc hư ảo nhất, bằng những góc máy đa chiều nhất. Video khiến người viết đặt ra câu hỏi: Chúng ta chọn chỗ cho mình ở đâu? Là một thế giới được tái hiện lại gần thực hay một thế giới hoàn toàn không thực? Những gì chúng ta chọn lưu trữ là những kí ức có cả tươi đẹp và vụn vỡ hay là những thứ ta tạo ra để tự loè chính mình, tự hàn gắn và lắp ráp lại những tổn thương?
Có lẽ chính bởi những thể hiện đa dạng, với những chất liệu và hình thức khá gần gũi và chân thật, như những bông hoa, chú Thỏ theo phong cách hoạt hình, chú chó Tô dựng lên theo kích cỡ thật bằng đất sét, hay những tác phẩm đồng sáng tạo của cặp nghệ sĩ và cộng đồng đa lứa tuổi ở Làng Hữu Nghị mà khán giả đến với triển lãm lần này có vẻ đa dạng hơn. Không khó để có thể bắt gặp hình ảnh những em bé hào hứng xem triển lãm cùng bố mẹ. Tỏa 3, vì thế cũng đã tạo ra một cơ hội tiếp cận nghệ thuật thú vị cho đa dạng tầng lớp khán giả./
Theo Phan Đan/Hanoi Grapevine