Nhìn lại trải nghiệm Chương trình Ươm mầm: Hành trình đặt câu hỏi về mình
Uyên Ly viết cho Hanoi Grapevine và VCCA
Ảnh bởi VCCA và nghệ sỹ cung cấp
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý
Các nghệ sỹ Nguyễn Đình Phương, Đoàn Văn Tới và Hà Thúy Hằng đã hoàn tất chuyến lưu trú nghệ thuật trong khuôn khổ Chương trình Ươm mầm nghệ sỹ trẻ tài năng của Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom. Cùng với Hanoi Grapevine, họ nhìn lại toàn bộ hành trình Ươm từ các trải nghiệm lưu trú vừa qua cho đến triển lãm ƯƠM, các buổi workshop, trò chuyện nghệ thuật được thiết kế dành riêng cho họ.
Đọc thêm về các nghệ sỹ và chương trình Ươm mầm ở đây:
Giám đốc nghệ thuật Mizuki Endo chia sẻ về chương trình “Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019″
Điểm mặt bốn nghệ sĩ trẻ tham gia chương trình “Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019”
“Tôi nghĩ rằng việc thành công ở tầm quốc tế có thể xảy ra hoặc không xảy ra. Quan trọng hơn thế, mỗi nghệ sỹ sẽ tiếp tục công việc làm tác phẩm, tiếp tục khám phá quan niệm của mình dựa trên đam mê và nhu cầu bức thiết tự thân. Sự nổi tiếng hay thành công chỉ là hệ quả của những nỗ lực liên tục trong việc theo đuổi nghệ thuật một cách nghiêm túc”. Giám đốc nghệ thuật VCCA Mizuki Endo chia sẻ về mục tiêu hỗ trợ các nghệ sỹ trẻ của chương trình Ươm mầm.
Hợp tác với chương trình qua Triển lãm ƯƠM và TỎA 3, các nghệ sỹ có thấy mình khác trước?
Phương (Nguyễn Đình Phương):
Tôi tham gia Chương trình Ươm Mầm vì bị kích thích bởi không gian, bởi tính khách quan của khán giả – những người không liên quan đến nghệ thuật dạo chơi trong không gian Trung tâm thương mại Vincom. Chương trình cũng thúc đẩy tôi đặt kế hoạch làm cái gì to lớn mà mình chưa từng làm bao giờ, qua việc này tôi vừa biết lượng sức mình, vừa thỏa mãn được cái siêu tưởng trong mình, chẳng hạn như cách vượt qua các sự cố, giới hạn về thi công, thay đổi chất liệu… mà vẫn giữ được cái cốt lõi của tác phẩm. Giám tuyển Mizuki rất tôn trọng nghệ sĩ, anh tạo cho nghệ sĩ sự thoải mái để tập trung làm việc . Nhìn lại quá trình thực hành ở VCCA, hay nhất có lẽ là cái việc được làm tốt nhất việc mình làm.
Tới (Đoàn Văn Tới):
Khi có cơ hội làm tác phẩm với Chương trình Ươm mầm, tôi có cơ hội khám phá mình, thấy rất tự do, thoải mái. Tôi gác lại công việc dạy vẽ, tập trung vẽ tranh khổ lớn, và cảm thấy rất nhẹ nhàng.
Giám tuyển Mizuki đã đóng góp vào công việc của các nghệ sỹ ra sao?
Phương:
Mizuki tham gia rất ít vào ý tưởng, nhưng tham gia vào không gian. Ví dụ tác phẩm này nên nên đặt vào không gian nào.
Hằng (Hà Thúy Hằng):
Trong suốt quá trình làm tác phẩm, Giám tuyển Mizuki thường xuyên có những câu hỏi, trao đổi cùng tôi. Những câu hỏi và sự trao đổi của giám tuyển cũng đã làm tôi suy nghĩ sâu hơn và tôi đã thay đổi cách trình bày tác phẩm của mình khác với dự định ban đầu. Triển lãm Ươm với format khác những không gian mà tôi vẫn thực hành âm nhạc, sân khấu, cũng là một trải nghiệm tốt đối với tôi.
Tới:
Tôi rất thích làm tranh lớn. Anh Mizuki đến xưởng xem, anh ý bảo những cái này của em mà làm lớn hơn nữa thì rất tốt đấy. Tôi đã vẽ những bức dài 4m, mà khi ra đến VCCA thì bức tường dài 13m. (Trong triển lãm Ươm, Giám tuyển Mizuki “giao” trọn một mảng tường lớn của VCCA cho Đoàn Văn Tới để anh sáng tác một bức tranh khổ lớn)
Phương:
Anh Mizuki đặt ra thử thách, kích thích sáng tạo. Như trường hợp của tôi thì anh ý muốn tôi làm ra chính giữa giếng trời (khu vực skydome của VCCA) và làm cái gì đó có đủ sức nặng cho toàn bộ không gian đấy. Anh ý giao cho một đề bài. Mà vấn đề là anh ý tin.
Những buổi workshop, tham quan, trò chuyện với nghệ sỹ và chuyên gia văn hóa nghệ thuật trong khuôn khổ có lợi ích gì đối với anh/chị?
Tới:
Mỗi chuyên gia đem lại ấn tượng riêng. Ví dụ anh Trần Quang Đức nói về giá trị truyền thống, rất hiểu biết và sắc sảo…khiến tôi thấy truyền thống quan trọng. Và chị Chiharu Shiota, một nghệ sĩ có không gian xưởng sáng tác lớn và chuyên nghiệp. Chị ấy làm việc rất có kế hoạch, một năm 20 triển lãm ở các vùng khác nhau. Chị ấy làm việc như một nhà sản xuất nghệ thuật, làm nhiều việc khác như thiết kế sân khấu. Có một buổi đến bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, nó là một bảo tàng nhỏ nhưng được đầu tư cẩn trọng, tôi nhận được nhiều gợi ý về bảo tồn văn hóa. Với nghệ sỹ Trương Tân, chúng tôi khóc với anh về những kinh nghiệm thực hành nghệ thuật khi ở Pháp. Anh Ưu Đàm (Nguyễn Trần Ưu Đàm) là nghệ sỹ mới, anh ý chia sẻ cách xây dựng hồ sơ nghệ thuật, cách làm điều phối dự án. Một buổi bọn tôi được training với giám tuyển Lê Thuận Uyên về thuật ngữ hội họa. Một buổi được gặp anh Huy An (nghệ sĩ thị giác Nguyễn Huy An), xuống xưởng và được anh chia sẻ các thực hành từ thời sinh viên cho đến gần đây. Một buổi anh Mizuki chia sẻ các kiến thức về lịch sử mỹ thuật thế giới…
Phương:
Qua những buổi này, tôi thấy rất rõ con đường của từng người đi, lối tư duy nào dẫn đến con đường nào. Tiến trình của người nghệ sỹ, những ảnh hưởng cuộc sống đi vào tác phẩm ra sao.
Hằng:
Sau khi nghe các buổi talk, tôi được truyền cảm hứng từ con đường của những người nghệ sĩ đi trước, họ dám làm những thứ họ suy nghĩ, kể cả những thứ tưởng như rất ngớ ngẩn, rất điên rồ, hoặc rất mơ hồ. Và tôi cũng nhận thấy nghệ thuật là một thế giới mênh mông không có giới hạn nào với một người nghệ sỹ sáng tạo. Điều quan trọng là mình dám đi với những gì mình yêu thích.
Chuyến lưu trú vừa rồi đã đem lại điều gì cho anh/chị?
Phương và Tới:
Chúng tôi chọn đi Berlin vì đó là thành phố trung tâm nghệ thuật của Châu Âu. Chúng tôi đi một tháng, từ 6 tháng 2 đến 6 tháng 3 năm 2020. Mục đích là đi quan sát. Chúng tôi không dành thời gian làm tác phẩm mà đi bảo tàng và tiếp xúc với các nghệ sĩ, ví dụ như gặp chị Chiharu Shiota (nghệ sỹ thị giác Nhật Bản sống tại Đức). Trong 30 ngày chúng tôi đi hơn 30 bảo tàng, đi thăm khu ngoại ô và các thành phố lân cận. Chúng tôi có kế hoạch đi Ý và Pháp nhưng do dịch COVID nên không đi được.
Phương:
Tôi ấn tượng nhất là đi xem bảo tàng. Trước kia những gì được học qua ảnh, qua sách vở thì bây giờ được nhìn trực tiếp, và trông rất sống động. Sau khi xem một loạt tranh của các bậc thầy, thì tự nhiên cá nhân mình đặt câu hỏi “Vậy thì cái của mình là cái gì?”. Họ thì họ có óc phân tích rất khoa học, từng bước một để xây dựng nên một tác phẩm. Tôi rất ấn tượng. Tôi thấy họ rất lý trí. Ơ! châu Âu là như thế, họ quan trọng chuyện định danh, định nghĩa, gọi tên… Còn văn hóa của mình mang tính tập thể, vô danh, thì như thế nào? Ví dụ âm nhạc dân gian: không biết tác giả tên là gì, cứ hồn nhiên truyền miệng chẳng hạn, hay như cái bật lửa hai đầu ở những quán trà đá, rất là hay. Tôi đặt câu hỏi là mình có nhất định phân định cái này cái nọ? Có quan trọng hay không? Một người có thể làm nhiều thứ trong một trình hiện hay không. Nghệ thuật là cái gì, tại sao mình lại theo con đường như thế? Kỳ lạ lắm. Tôi rất khó phân định giữa tình huống cuộc sống và nghệ thuật.
Về Việt Nam tôi thấy mình trầm hẳn đi, tôi thấy mình như một người khác. Tôi chỉ muốn đi bộ, nhìn ngắm, thấy rất chi an lòng. Cứ để cho mọi thứ va đập vào mình, mình đón nhận thôi. Với tôi, đấy hình như là chuyến đi để nhìn lại mình, để đặt câu hỏi về mình.
Tới:
Bản thân tôi thích nghệ sỹ hậu chiến Đức, các tác phẩm của họ có gì đó khô khan. Sang đến bên đấy được tận mắt xem tác phẩm tôi lại không còn cảm hứng với tranh hậu chiến nữa, và khi được xem tranh của Claude Monet thì tôi lại thấy thích hơn, tươi mới hơn. Tôi thấy đây là tương lai của mình. Thực ra tranh của Claude Monet không dễ về kỹ thuật, chỉ khi xem tận mắt tôi mới thấy cảm giác nó thoải mái và chính xác một cách khủng khiếp. Tôi thấy nó giàu tính phương Đông.
Khi về tới Việt Nam, cái tôi thực hành tiếp, vẫn là quan sát về cảnh nông thôn, là cảm hứng thuần khiết. Tôi không hướng mình là một nghệ sỹ của xã hội, không vẽ tranh để phản ánh xã hội, mà tranh là con đường hiểu hơn về mình. Người thân là quan trọng, những người gần gũi với mình, người xung quanh là cái thực hành quan trọng nhất. Trước đây cứ cố gắng để mọi người thấy mình, bây giờ thì thấy mọi thứ bình thường. Mọi thứ không quan trọng nữa. Đi cũng được không đi cũng được. Đi Berlin về tôi thấy không còn muốn đi nước ngoài nữa, thấy mọi thứ cũng thế. Mình không còn mặc cảm.
Hằng:
Ban đầu tôi chọn Nhật bản là nơi lưu trú, vì tôi khá thích văn hoá Nhật bản và nghĩ rằng mình có thể tìm hiểu những nét tương đồng từ đó. Tuy nhiên trong khi trao đổi cùng anh Mizuki thì được sự gợi ý về Indonesia. Và sau khi nghe anh Mizuki phân tích về những sự gần gũi văn hóa cũng như cộng đồng thực hành nghệ thuật tại Yogyakarta thì tôi đã thay đổi sự lựa chọn của mình. Và tôi rất hài lòng vì sự thay đổi quyết định đó. Tôi ở Ruang Mes56, một không gian nghệ thuật rất thú vị. Nơi đây đã tổ chức, kết nối cho tôi rất tốt, lên kế hoạch gần như kín lịch trong suốt thời gian lưu trú. Tôi đã thực sự được sống trong không khí gần gũi ấm áp của các bạn bè, nghệ sỹ thực hành từ nhiều lĩnh vực, nhiều đất nước khác nhau. Được chia sẻ với nhau về văn hóa xã hội, công việc và suy nghĩ trong cuộc sống.
Đúng đến ngày tôi di chuyển đến Jakarta theo lịch trình để lấy chuyến bay về Việt Nam thì cũng là lúc dịch COVID bùng phát khiến tôi bị kẹt lại ở Jakarta. Đó là khoảng thời gian tôi thấy hơi cô đơn và sợ hãi. Mặc dù không phải lần đầu tiên đi xa, nhưng là lần đầu tiên tôi có cảm giác như vậy: Mong muốn được trở về rất mãnh liệt. Những âm thanh ngày thường ở Việt Nam nhiều khi làm tôi cảm thấy khó chịu như tiếng ồn của đường phố, còi xe, tiếng chợ búa, tiếng cãi vã… lúc một mình trở thành nỗi nhớ. Khi về đến Việt Nam tôi sáng tác tác phẩm “Một bóng một hình” trong đó là tất cả những suy nghĩ, những cảm giác mà tôi đã trải qua trong thời gian ở Jakarta.
Xin cảm ơn các nghệ sỹ vì những chia sẻ cởi mở!