NHỮNG NẺO ĐƯỜNG LƯU CÔNG NHÂN

Ông là một người cao lớn, tài hoa, duyên dáng, học thức và lịch duyệt như chỉ có trong thơ và truyện trữ tình. Có một nền tảng gia đình sung túc, một lý lịch chính trị quá sáng, học vấn bậc nhất trong những đồng môn và chăm chỉ vô cùng. Và trên hết, ông có tài hội họa như trời cho thật. Tay nghề ông sớm vào bậc cao thủ. Nhưng con đường ông đi không như trải thảm. Vẫn chông gai bởi ông ham tự làm con đường của mình.


Học trên các nẻo đường Việt Bắc, lại là người xê dịch bẩm sinh, nên đi với vẽ, trực họa hòa điệu với tình, ông bật lên những đường cong uyển nhã, những sắc lung linh, ru đưa lẳng lơ và những ửng màu khỏe khoắn. Chịu thuần phục người thầy là Tô Ngọc Vân, có lẽ cũng vì cùng tài hoa bẩm sinh và yêu cái yểu điệu, chắt lọc, phóng khoáng trong sự cầu toàn và không thể chịu nổi thói cẩu thả trong nghề nghiệp. Những người phụ nữ cùng là hình tượng chủ đạo - nơi trú ngụ của Cái đẹp - trong sáng tác của ông. Song ở Lưu Công Nhân, bên cạnh cái đài các của Bên hoa huệ là cái mộc mạc vừa Gái quê, vừa O du kích nhỏ trước đó chưa hề có trong hội họa Việt Nam. Ông tiếp nối cái trữ tình của hội họa Đông Dương bằng nét hiện thực lạc quan của Kháng chiến. Anh hoa phát tiết sớm. Những tranh thuốc nước từ thập niên 1950 - 1960 vẽ phong cảnh nông thôn: tre và xoan (ít ai vẽ xoan đẹp như thế), cổng làng và ngõ xóm; và những “con người mới”: cô chăn lợn, cô dân công, anh quân bưu hay chị cốt cán, chị công nhân hay anh tự vệ… đã là những tác phẩm bậc thầy không chỉ về mặt kỹ thuật.


Vì vậy không ngạc nhiên khi công - nông trở thành chủ thể tuyệt đối của nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, thì những tác phẩm sơn dầu của ông như Buổi cày sớm, Bình dân học vụ hay các cô công nhân Trên xe tải lập tức thuộc loại tiêu biểu cho phương pháp sáng tác này. Hình tượng con người vừa được tả thực lại vừa mang nghĩa khái quát, tượng trưng. Ở đây ta thấy đầy đủ các công đoạn sáng tác từ ghi chép tới tìm bố cục, xây dựng nhân vật điển hình và các xử lý kỹ thuật tinh tế, chỉn chu. Xét về những năng lực nghề nghiệp cần có cho phương pháp đó thì ông thuộc số những họa sĩ hoàn hảo nhất ở Việt Nam đương thời.


Tính chuyên nghiệp cao khiến ông tự có những đòi hỏi khắt khe. Trước hết là phải vẽ. Vẽ liên tục, không làm gì khác (quản lý hay lãnh đạo, giảng dạy hay công tác phong trào…). Trong khó khăn chung, ông luôn thu vén cho mình những điều kiện sáng tác tối ưu. Ở đây sau cái vẻ hào hoa, cười cợt, phớt đời là cả một nguồn nghị lực hiếm có. Là người hướng thượng, ông tự học bền bỉ, tìm hiểu sâu sắc nghệ thuật Á Đông và phương Tây. Ông có mấy năm miệt mài với tranh trừu tượng để rồi tuyên bố: nó không phải của ta. Và ông thành thật khuyên can các họa sĩ trẻ về điều mà họ không thích nghe theo ấy. Ông lại dùng mấy năm ngao du sơn thủy để vung bút thiền họa phong cảnh và khỏa thân mực Tàu cực phóng khoáng. Nhưng rồi nơi cư ngụ của ông vẫn là những xưởng họa ở Vĩnh Phú, Đà Lạt hay Sài Gòn. Ông vẽ vợ, con, cháu, các cô người mẫu mà ông đắm đuối, đắm đuối với hình và màu, với “ma-tre” - biểu chất - của sơn và vệt bút hơn là với nhân vật. Ông trở nên một người duy mỹ điển hình.


Ở các tranh tĩnh vật, hình như họa sĩ tìm một sự tích hợp Đông- Tây, hay chí ít cũng là một nẻo trung dung riêng biệt. Ông muốn có cái “khí vận sinh động”, không dính vào ngoại vật (Đông) cộng sinh với trực cảm vật chất đầm đìa (Tây). Những cái bình, cái lọ của ông thô mộc, chỏng trơ, những cánh hoa phất phơ, cô độc… như chỉ là cái ý thôi. Còn màu, nét bút lực vẫn thiết tha, yểu điệu như những cô thanh nữ. Tạng người ta khó đổi thay. Và có khi chính cái tạng đó làm nền móng cho một phong cách cá nhân. Ai không có cái “tạng” riêng của mình thì thật khó giong buồm trên biển, đến bờ nghệ thuật. Dù chăm đến mấy cũng biết ở đây công không làm nên lãi được. Một loạt tranh nổi tiếng của ông vẽ cái lô-cốt Pháp trên đường quốc lộ. Có cột cây số ngây ngô, có cành xoan non phe phớt, lại có cả hàng quán tiêu sơ mà xanh đỏ. Con đường là huyết mạch của kháng chiến, của cuộc sống hằng ngày, của tình tự và gặp gỡ, của đến hẹn và chia ly. Cái lô- cốt xi măng ngạo nghễ hay nhẫn nhục quỳ gối thì nó vẫn ở đó như một quá khứ và lịch sử. Nó không mất đi dù ta bảo nó thắng hay bại. Chính ở đó số phận cuộc chiến được định đoạt, chính trên con đường ấy một thế hệ đã đi qua. Ở đó, dọc theo nó cuộc thuộc địa hóa đã thảm bại nhưng cuộc hòa trộn văn hóa Pháp - Việt đã diễn ra. Nhìn cái bóng lô-cốt trụi trần bên đường tím ngát tôi cũng thấy bóng anh bộ đội (mà ông cho là bóng của chính mình?) trước nền lau trắng cô liêu. Họa sĩ nói gì? Hay ông chỉ hít thở thời mình dù có khi “mắc cỡ”, khi bị người ta bắt gặp sự hít thở ấy?


Ông cấp tiến trong ý thức nên rất “dân chủ” với đám hậu sinh. Có thế tôi mới được viết với giọng điệu này về bậc trưởng thượng của chúng ta.


Họa sĩ – Nhà phê bình Nguyễn Quân.

Có thể bạn quan tâm