Phỏng vấn Bùi Quốc Khánh về triển lãm “Những giấc mơ kéo dài

Út Quyên viết cho Hanoi Grapevine và VCCA
Ảnh (nếu không có chú thích khác) do nghệ sĩ cung cấp
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Triển lãm cá nhân “Những giấc mơ kéo dài” tại VCCA từ ngày 10/9 tới 16/10 trưng bày 9 tác phẩm mới nhất được Bùi Quốc Khánh sáng tác từ đầu năm 2019.

“Những giấc mơ kéo dài” là triển lãm cá nhân thứ hai đánh dấu những bước tiến trên con đường tìm tòi và thể hiện tiếng nói riêng trong nghệ thuật của họa sỹ Bùi Quốc Khánh. Nếu ai đã từng xem triển lãm cá nhân lần thứ nhất “Một vòng đi” (tháng 10/2018, tại 29 Hàng Bài) có thể sẽ nhớ lại cảm giác choáng ngợp trước những tác phẩm sử dụng màu sắc sặc sỡ bắt mắt theo lối Pop-Art, sự tỉ mỉ trong việc thể hiện các họa tiết theo lối trang trí đồ họa, và việc sử dụng dày đặc các hình ảnh ẩn dụ hoặc tín hiệu của văn hóa đại chúng từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây mang tính châm biếm, giễu nhại xã hội sâu cay của họa sỹ này.

Hanoi Grapevine đã có dịp trò chuyện với Bùi Quốc Khánh về triển lãm lần này.

Anh hợp tác với VCCA để thực hiện triển lãm này diễn ra như thế nào?

Sau khi nộp hồ sơ tham gia chương trình “Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng” của VCCA (xem thêm về chương trình ở cuối bài), anh Mizuki (giám đốc nghệ thuật của VCCA – PVvà mời tôi tham gia vào chương trình này, qua đó tôi có cơ hội giới thiệu tới công chúng các sáng tác mới nhất của mình.

Những giấc mơ kéo dài

Tại sao anh lại chọn phong cách thể hiện của Pop-art kết hợp với lối vẽ trang trí để tạo nên ngôn ngữ trong những sáng tác hiện tại?

Ngôn ngữ tạo hình hiện tại của tôi được xây dựng trên nền tảng chính: thứ nhất tôi vốn học vẽ sơn mài truyền thống. Trong tranh sơn mài, các yếu tố trang trí đồ họa rất mạnh. Tuy nhiên với chất liệu sơn mài tôi vẫn chưa tìm được ngôn ngữ riêng của bản thân. Trong quá trình loay hoay đi tìm tiếng nói cho riêng mình, tôi phát hiện ra sơn dầu có khả năng thể hiện được câu chuyện mà tôi muốn biểu đạt.

Câu chuyện anh muốn biểu đạt ở đây này là gì?

Đối với tôi vẽ cũng như viết, sáng tác của người nghệ sĩ phải thể hiện đúng những gì anh ta trải nghiệm, và cảm xúc thật nhất từ bên trong mỗi người. Mỗi nghệ sĩ sẽ có một hướng để chọn cho mình những đề tài sáng tác khác nhau. Khác với nhiều đồng nghiệp họa sĩ khác, con đường đến với hội họa của tôi khá lắt léo. Tôi theo học và làm rất nhiều nghề để đến với nghệ thuật, điều đó giúp tôi tiếp xúc với rất nhiều lớp người trong xã hội và trở thành chất liệu trong sáng tác của tôi.

Triển lãm “Những giấc mơ kéo dài” là những chiêm nghiệm của tôi về bối cảnh xã hội Việt Nam với nhiều vấn đề trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội như: sự di dân từ nông thôn lên thành thị, các tệ nạn xã hội, những vấn đề môi trường, khai thác kiệt quệ tài nguyên khoáng sản, đạo đức gia đình và xã hội bị nhìn nhận lệch lạc… Tất cả những điều ấy tựu lại trở thành một giấc mơ giấc mơ kéo dài mãi mãi không biết bao giờ mới chấm dứt. Trong số chín tác phẩm trưng bày trong triển lãm này, có một bức tranh mang tên như thế.

Tác phẩm của anh được thể hiện rất phức tạp. Anh thực hiện chúng ra sao và thường tìm gợi ý về ý tưởng từ đâu?

Tôi thường coi việc lên phác thảo ý tưởng cho một tác phẩm giống như một người viết kịch bản, và tưởng tượng bức tranh của tôi như một sân khấu. Trong tập phác thảo của tôi thực chất không hề có một bức hình nào, tất cả được mô tả bằng chữ. Chẳng hạn tôi sẽ viết ra tất cả các ghi chú tác phẩm này có những nhân vật nào, họ là ai, họ sẽ ở đâu và làm gì trong tranh, các yếu tố trang trí là gì.

Quy đổi

Ý tưởng về tác phẩm có thể đến với tôi bất cứ lúc nào, từ bất cứ việc gì. Như bức “Quy đổi”, ý tưởng cho tác phẩm nảy sinh trong một buổi sáng khi tôi xuống dưới nhà gặp bác giúp việc đang chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình, tôi cảm thấy mình đang bỏ tiền ra không phải cho bữa ăn mà là để mua thời gian của người khác. Vì thế bức tranh lấy bối cảnh ở một nhà hàng, một bữa tiệc trong đó có sự tham gia của người từ rất nhiều thời đại, trên tay những người phục vụ không phải là món ăn mà là thời gian. Tất cả những thứ mọi người đang ăn chính là thời gian mà họ có. Ai cũng có một quỹ thời gian nhất định, khi ta dành thời gian làm việc này thì sẽ không có thời gian cho việc khác. Vì thế tất cả đều được quy đổi sang thời gian và điều quan trọng trong cuộc sống chính là việc mình cân nhắc sử dụng quỹ thời gian có hạn của mình như thế nào.

Làm nhiều ngành nghề không liên quan gì đến vẽ, anh “quy đổi” quỹ thời gian có hạn của mình như thế nào để có thời gian vẽ tranh?

Ai cũng biết làm nghệ sĩ, nhất là họa sĩ ở Việt Nam, gặp rất nhiều khó khăn. Có rất ít tổ chức nghệ thuật hỗ trợ các họa sĩ làm việc. Trong khi nhà nước thì ủng hộ các hoạt động ‘đàn ca sáo nhị’ nhiều hơn. Trước đó tôi buộc phải tìm cách kiếm tiền nuôi nghệ thuật. Từ sau triển lãm cá nhân đầu tiên tôi đã gác hết các công việc khác chỉ còn duy trì việc dạy học tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, thời gian còn lại tập trung cho việc vẽ.

Công việc dạy học đôi lúc cũng chiếm dụng thời gian, tuy nhiên nó vẫn làm tôi cảm thấy thích thú. Tôi coi việc rèn rũa cho học sinh cũng là cách tự rèn rũa cho chính mình. Làm họa sĩ là một nghệ khá vô tổ chức vì không có ai quản lý tôi cả, chỉ có tôi tự tạo áp lực cho mình, và tự đặt ra những quy định để cho mình làm việc.

Cám ơn những chia sẻ của anh!

Họa sĩ Bùi Quốc khánh, ảnh: Nguyễn Đức Tùng

———-

Diễn ra trong cùng một thời điểm tại VCCA, hai triển lãm “Bên trong thành phố” của Đoàn Xuân Tùng, “Những giấc mơ kéo dài” của Bùi Quốc Khánh là cuộc chạm trán đối thoại thú vị của hai phong cách vẽ hoàn toàn đối lập nhưng cùng thể hiện mối quan tâm đến các vấn đề cuộc sống đô thị đương thời và cùng khai thác ngôn ngữ biểu hiện của Pop-art, theo những hướng rất khác nhau.

Hai triển lãm này nằm trong khuôn khổ Chương trình Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019, dự án của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) nhằm mục đích đồng hành và hỗ trợ nghệ sĩ trẻ Việt Nam phát triển thực hành nghệ thuật. Việc tổ chức triển lãm cá nhân nhằm tạo cơ hội cho nghệ sĩ tiếp cận khán giả và làm quen với môi trường trưng bày chuyên nghiệp, cũng như có cơ hội giới thiệu đến công chúng các tác phẩm mới nhất.

Có thể bạn quan tâm