Thăm triển lãm “Xe Đạp Ơi” cùng nghệ sĩ Trần Thu Vân
Triển lãm Xe Đạp Ơi đang trưng bày tại tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) của nghệ sĩ ý niệm người Pháp gốc Việt Tran Thu Van đã đem đến cho khán giả Hà Nội những tác phẩm đẹp, vừa nên thơ, vừa chất chứa hoài niệm và suy ngẫm về biến cố thăng trầm của lịch sử. Phóng viên Hanoi Grapevine đã có dịp được nghệ sĩ dẫn dắt dạo quanh triển lãm.
Tác phẩm chào đón chúng tôi vào không gian triển lãm của chị mang hình dáng cánh buồm, có phải vậy không?
Đó là cánh buồm đã chào đón chúng tôi khi chúng tôi đặt chân tới Việt Nam. Ý tưởng ban đầu của tôi là tạo ra một tấm rèm mang hình dáng cánh buồm, biểu tượng của Vịnh Hạ Long.
Tại sao lại là Vịnh Hạ Long?
Thật ra năm 18 tuổi tôi đã sống ở đó, trên một con thuyền trong vài tháng. Trước hết, đó là một trải nghiệm cá nhân. Nhưng hơn thế, tôi thực sự muốn đưa ra một hình ảnh mang tính biểu tượng về Việt Nam đối với người nước ngoài. Vịnh Hạ Long chính là cái luôn xuất hiện mỗi khi họ nghĩ về Việt Nam. Tôi khâu tấm rèm bằng vải nhung lên trên vải dù cũ của lính Mỹ. Mối tương quan này tạo ra một cái gì đó thật đẹp nhưng cũng đầy kịch tính. Và tôi muốn những tấm nhung này trở thành một bức rèm chào đón chúng ta vào không gian triển lãm – bước vào một thế giới của tưởng tượng đằng sau không gian nghệ thuật hay một thế giới nơi trí tưởng tượng chạm tới dòng trần thuật.
Thế còn ở trên sàn, ngay sau cánh buồm có phải là một lớp cao su rất mòng? Chúng ta có thể đi trên đó?
Tất nhiên rồi. Thật ra tôi muốn tác phẩm này ít gây chú ý nhất có thể vì với tôi nó là một dạng thức của sự tiêu trừ hay sự xuyên thấu vào trong chất liệu. Màu sắc trên bức tường và cao su phủ trên mặt sàn. Tôi muốn tạo một tác phẩm về những thứ vô hình nhưng thực chất không thể tránh khỏi đằng sau mỗi chúng ta: chính là lịch sử – lịch sử của thời kỳ Pháp đô hộ ở Đông Dương có tác động mạnh mẽ tới xã hội hiện đại của chúng ta. Quá trình đô hộ bắt đầu bằng việc xâm lược lãnh thổ và trồng đại trà cây cao su trên đất miền Nam và sau đó là cả miền Trung Việt Nam. Rất nhiều người từ miền Bắc đã tới làm việc trong các đồn điền cao su này, và cuộc khởi nghĩa đầu tiên cũng xảy ra tại đây. Bức tranh hiển lộ cho chúng ta mối liên hệ thuần túy với không gian và mối liên hệ trừu tượng với bức bích họa. Nhưng nếu đọc qua những lớp chất liệu, qua sự trừu tượng, bạn có thể thấy được những lớp lang lịch sử tôi đã dựa vào để sáng tác.
Những sắc màu chị chọn để tạo nên tác phẩm Những sắc xám có ý nghĩa gì đặc biệt?
Sáu màu đó liên quan trực tiếp tới những cuộc giải chất độc do quân đội Mỹ thực hiện trong những năm 60 tại Miền Nam Việt Nam. Chúng ta thường chỉ biết tới chất độc màu da cam, vì đây là loại có tính tàn phá cao nhất. Nhưng thực ra quân Mỹ đã có lần dùng tới 6 loại chất độc tất cả. Sáu màu trắng, hồng, lục, lam, tím và cam chính là màu các hóa chất độc được quân Mỹ sử dụng trong một cuộc phun thuốc độc mang tên Rainbow Herbicides đã trở thành cơ sở cho một số tác phẩm của tôi. Tác phẩm này thực chất là một sự tiêu trừ, một sự xóa bỏ các màu sắc. Khi chúng ta chồng đè màu nọ lên màu kia, lớp nọ lên lớp kia, tất cả sẽ tạo ra chỉ một sắc xám – đó là màu xám của acid, màu xám của sự u sầu, của sự tan biến. Đó là màu xám của hoài niệm.
Tới tác phẩm Tiểu thuyết vô đề, trước hôm khai mạc triển lãm tôi đến đây chỉ thấy vài chiếc lá, tôi đã nhặt chúng lên và chúng tạo ra những âm thanh rất vui tai. Tác phẩm này có liên quan gì đến đề tài lịch sử mà chị đang đề cập?
Chúng tôi đã thu thập lá cây cao su từ miền Nam Việt Nam. Qua chúng, tôi tái hiện lại lịch sử. Tất cả các đồn điền cao su được mang tới trong cuộc xâm lược thứ nhất của Thực dân Pháp ngay lập tức bị xóa sổ bởi cuộc xâm lược thứ hai bằng những chiến dịch giải độc của Đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam. Họ hủy diệt hàng ngàn cây chỉ trong một cuộc phun thuốc kéo dài vài giây. Đối với tôi, điều đó gợi lên ý tưởng về sự hủy diệt và nhuốm chàm. Những khu rừng bị đốt cháy biến thành tấm thảm này, câm lặng và mong manh.
Những chiếc lá từ đồn điền cao su đó được nhuộm màu đỏ. Chúng tôi nhúng từng chiếc một trong men sứ lỏng và đợi cho đến khi khô kiệt thì đem nung. Mọi thứ được làm trong một xưởng gốm ở Bát Tràng. Được làm việc ở đây mới là điều quan trọng với tôi. Nếu tôi làm việc ở chỗ khác, với những người khác sau đó chỉ mang tác phẩm đến đây thì sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Thực hiện tác phẩm này thật không dễ dàng. Những người thợ ở đây không quen với kỹ thuật này. Nhưng họ đã tìm ra cách để làm được. Anh chủ xưởng gốm đã nghĩ ra cách thêm keo vào trong men sứ lỏng để nó có thể bám dính. Trong quá trình nung, vì nhiệt độ rất cao, lên tới 1250 độ C, tất cả lá đều bị thiêu rụi. Cái còn lại chỉ là bản in dập trên gốm. Đó là điều đặc biệt của tác phẩm này, nó câm lặng vì mọi thứ đã biến mất, đã bị thiêu rụi cả rồi.
Kỉ niệm và tuổi thơ của chị góp phần gì trong việc lựa chọn chất liệu và lên ý tưởng tác phẩm?
Tôi lớn lên ở một vùng ngoại ô Sài Gòn. Ngày xưa, cao su nhiều hơn bây giờ. Cơ thể tôi vẫn giữ ký ức của độ ẩm, của thời tiết và cây cối bao quanh tôi khi ấy. Đồn điền cao su có một bầu không khí rất riêng, vì chỉ cần đi qua đó một lần trong ngày thôi cũng có thể làm cơ thể bạn thay đổi. Và bạn sẽ lưu lại trong mình cảm giác về nó.
Hãy kể cho tôi nhiều hơn về hoạt động nghệ thuật của chị và việc tại sao chị trở thành nghệ sĩ?
Tôi sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Miền Bắc nước Pháp. Tôi đến Pháp vào ngày Francois Mitterrand đắc cử Tổng thống tháng 5/1981. Khi chúng tôi chuyển đến Paris tôi đã là một thiếu nữ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 tôi được nhận vào Trường Mỹ thuật Paris chuyên ngành hội họa trừu tượng. Tôi cũng học nghề thủ công làm bản in cho chất liệu gốm và đồng. Tôi tốt nghiệp cử nhân khá sớm. Khi vào trường tôi mới 17 và ra trường năm 22. Hầu hết sinh viên Mỹ thuật đều chưa tốt nghiệp ở tuổi đó.
Sau đó tôi làm việc với rất nhiều nghệ sĩ trẻ khác để thành lập một không gian cho sinh viên nghệ thuật ở Paris. Chúng tôi phải tái tạo lối sống và sinh hoạt của mình để cùng nhau làm việc vì Paris là một nơi khắc nghiệt để sống và làm việc, và có rất ít không gian cho nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật thị giác. Đồng thời chúng tôi cũng đấu tranh vì quyền lợi của những người không có giấy tờ ở Paris. Có rất nhiều gia đình vô gia cư phải sống ngoài đường, không có lấy một nơi để ở, nói gì đến làm việc. Nhưng với chúng tôi thì nơi ở và nơi làm việc căn bản là một. Chúng tôi mở cửa không gian của mình cho những ai cần tới. Việc đó được thực hiện trong một thời gian dài và chúng tôi bị chính quyền Paris để mắt. Có lần chúng tôi bị họ triệu tập nhưng rồi được thả ra an toàn. Tôi trở về nhà của ba má tiếp tục làm việc và dần dần tìm kiếm cơ hội để trưng bày tác phẩm của mình.
Chị tiếp cận vấn đề danh tính bản thân thế nào trong thực hành nghệ thuật? Điều đó có liên quan ra sao đến vị trí của chị trong lịch sử như một người Pháp gốc Việt?
Tôi cho rằng phải cần thời gian. Câu hỏi về danh tính đến từng chút, từng chút một. Ban đầu chỉ là mối liên hệ thuần túy với chất liệu, cách tôi làm việc với ngôn ngữ trừu tượng, màu sắc và hình khối. Rồi dần dần, câu hỏi về hiện thực hiện hình như một bóng ma. Có hai thực tế: là một người nước ngoài nhập cư vào Pháp và là một phụ nữ da vàng. Hai điều này khiến chúng tôi luôn bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Không chỉ mình tôi mà rất nhiều phụ nữ nhập cư khác cũng vậy. Vì chúng tôi không phải người da trắng và không phải nam giới, cuộc sống thật khó khăn. Đầu tiên tôi muốn dành tác phẩm của mình cho những gì tôi cho là không bình đẳng và bất công. Sau đó những vấn đề lịch sử cá nhân hiện lên. Thông thường, trong các gia đình người Việt rời bỏ đất nước, không ai muốn nói về quá khứ vì nó quá đau thương. Nhưng dần dần chúng tôi cũng được biết thêm về những gì đã xảy ra. Trong trường hợp của tôi là bà nội ở Sài Gòn đã kể cho tôi những câu chuyện về ba tôi.
Về triển lãm lần này ở VCCA, chị đã lên ý tưởng tác phẩm như thế nào và được mời bởi VCCA ra sao?
Quỳnh Phạm của Quỳnh Gallery chính là người đã giới thiệu tôi tới Mizuki Ando. Mizuki đến xem tác phẩm của tôi tại Venice Biennale năm trước và chúng tôi có nói chuyện. Sau đó tôi được anh ấy mời rất ngẫu hứng.
Thật ra đây không phải là lần đầu tôi trưng bày tác phẩm tại Việt Nam. Khoảng 10 năm trước tôi đã có một show ở L’Espace. Nhưng lần này thì khác. Tôi cảm thấy rất áp lực. Đúng lúc đó, một giai điệu thời thơ ấu tự nhiên vang lên trong đầu tôi: “Quay đều quay đều…” (hát). Tôi còn rất bé khi ba má bắt đầu dạy tôi bài hát này. Chúng tôi vẫn còn sống ở Sài Gòn. Bài hát là mối liên hệ rất thơ ngây của tôi với Việt Nam. Vì thế tôi đặt tên triển lãm là Xe Đạp Ơi đề gợi nhắc hoài niệm tôi đã từng thuộc về đất nước này, nền văn hóa này.
Nói về xe đạp, tôi có thể thấy trong cả triển lãm không hề có bất kỳ dấu vết hay hình dáng nào gợi nhắc về xe đạp, có chăng chỉ là tinh thần và kỷ niệm về nó thôi.
Thật khó có thể dịch từ Ơi. Tựa đề này chỉ dành cho người Việt Nam thôi. Tôi chỉ muốn nó là một gợi nhắc. Vì tôi rất hay đạp xe mỗi lần về Việt Nam. Giờ trong gia đình tôi ở Sài Gòn không ai đi xe đạp nữa. Vì thế mà nó rất hoài niệm. Bài hát chỉ gợi lên hoài niệm về thời gian, nên xe đạp không nhất thiết phải hiện diện ở đây trong triển lãm này.
Cám ơn chị rất nhiều!.