”Tỏa 2″ – Một triển lãm chất lượng

 

“Tỏa 2” (diễn ra từ 9-6 đến 15-7-2018) là sự tiếp nối ý tưởng của “Tỏa” – triển lãm khẳng định “thương hiệu” của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), với mong muốn lan tỏa nghệ thuật đương đại tới đông đảo công chúng – theo lời nhà tổ chức.

Ở Tỏa 2, việc cố gắng đi tìm một câu chuyện hay thông điệp chung mà triển lãm muốn mang đến cho người xem là một việc làm vô ích. “Không có câu chuyện nào hết” – như lời giám tuyển – Giám đốc Nghệ thuật VCCA Mizuki Endo đã nói. Tinh thần cốt lõi của “Tỏa” là “mang đến những cuộc đối thoại về thẩm mỹ; mở ra không gian tương tác giữa điểm nhìn cá nhân với câu chuyện xã hội; là sân chơi phóng khoáng cho những biến tấu đa dạng của nghệ thuật”. Vì thế chúng ta hãy ngừng liên tưởng, và để bước chân đi theo sự dẫn dắt sắp đặt của giám tuyển, và thưởng thức mỗi tác phẩm như một cá thể độc lập tương tác với không gian quanh nó.

Ở cửa ra vào, người xem dễ bị thu hút bởi ba chiếc bình gốm men trắng hoa lam bóng bảy với nét vẽ tay khá tỉ mỉ của Triệu Minh Hải trưng bày ngay tại khu vực bắt mắt nhất không gian triển lãm – phòng window display. Nếu chỉ là khách tình cờ ngang qua, người ta dễ ôm ấp hy vọng sẽ được xem một triển lãm gốm sứ Bát Tràng theo phong cách trang trí hiện đại. Dấn bước vào trong mới vỡ lẽ, chẳng có bình gốm nào nữa.

Thay vào đó, ta sẽ thấy ngay bốn tác phẩm của Nguyễn Nghĩa Cương đậm chất naive pha biểu hiện. Nét vẽ nguệch ngoạc, tạo hình ngô nghê của các tác phẩm dễ khiến người xem cho rằng họa sĩ vẽ ẩu. Những nếu dừng lại xem kĩ, ta có thể thấy thích thú với màu sắc rất hường, rất tươi tắn, đáng yêu trong bức Vườn Yêu, thấy bật cười với những câu chuyện trong bức Bóng dừa. Họa sỹ không lên gân, không phê phán, không một nỗi niềm đau đau vì xã hội, vì loài người. Anh chỉ đơn giản truyền đến cho người xem một cảm giác vui vẻ, hồn nhiên qua một con mắt nhìn hài hước, dí dỏm.

Bên cạnh chùm tranh của Nguyễn Nghĩa Cương là hai tác phẩm của những tên tuổi đã quá quen thuộc với giới yêu nghệ thuật Việt Nam: Phạm An Hải – họa sĩ thành danh với phong cách trừu tượng, và Phạm Bình Chương – nổi tiếng đắt tranh với phong cách cực thực.

Dưới bàn tay sắp xếp tài tình của Mizuki Endo, phần còn lại của triển lãm rất dễ chịu với người xem. Mỗi khu vực của một tác giả được dành cho một không gian riêng để khán giả có chỗ để thở, có thời gian để suy ngẫm, để đối thoại với từng tác phẩm mà không bị phân tâm, không cảm thấy hỗn loạn.

Đối diện với những tác phẩm của Nguyễn Nghĩa Cương là căn phòng trưng bày hai tác phẩm một video và một sắp đặt của Tạ Minh Đức, một nghệ sĩ còn trẻ (sinh năm 1991) nhưng đã có một hồ sơ nghệ thuật khá ấn tượng. Xét về mặt hình ảnh, tác phẩm video: Hạn làm nhà rất hút mắt với hàng cây khô ngược sáng và ở tiền cảnh, dưới chân là hai chú gà chọi đang đấu liên hồi mà không có người xem (thông thường các cuộc đấu gà chọi sẽ có người vây quanh cổ vũ rất nhiệt tình, nhưng ở video này không hề có bóng người, và âm thanh duy nhất người xem nghe được chỉ là tiếng phành phạch vỗ cánh và đạp nhau của hai con gà), chiếc xe ủi màu vàng lặng lẽ di chuyển ra vào liên tục ở phần hậu cảnh. Nếu chỉ dừng lại ở tên tác phẩm và những gì nghe thấy trên màn ảnh, người xem có thể mặc sức liên tưởng tới văn hóa xây nhà cùng những lễ nghi cúng bái và những quan niệm dân gian về việc xây nhà của người Việt, và vì thế cũng dấy lên trong lòng những cảm giác vừa hy vọng chờ đợi một căn nhà mới hoàn thành vừa hồi hộp lo sợ những tai họa bất ngờ xảy đến. Thế nhưng phần mô tả tác phẩm (nếu ai có lỡ đọc trước khi xem) lại chặn đứng những cảm xúc ấy bởi những mô tả rất dài và không mấy liên quan. Chưa nói đến phần mô tả tác phẩm Châu chấu ma không ăn nhập gì với bản thân tác phẩm được trưng bày.

Ba họa sĩ theo phong cách hiện thực được lựa chọn trong triển lãm là Hà Phước Duy, Vũ Ngọc Vĩnh, và Lương Trung đem đến những tác phẩm tốt về mặt kỹ thuật. Việc sắp xếp tranh của Hà Phước Duy, Vũ Ngọc Vĩnh trở cùng một khu vực trong khi tách Lương Trung ra một góc riêng một sự sắp đặt thông minh. Cả hai họa sĩ Lương Trung và Vũ Ngọc Vĩnh đều là những người nắm chắc về hình họa, có lối vẽ góc cạnh, thiên về đặc tả nhân vật và cùng quan tâm đến các đề tài tương đối thời sự như: sự chen chúc, chật chội về không gian nhưng thiếu vắng tình người của cuộc sống đô thị và những đứa trẻ lớn sớm trong tranh của Lương Trung; sự kệch cỡm, thô bỉ của tầng lớp con buôn mới nổi, sự hiếu kỳ, rẻ rúng, lấy con người làm trò tiêu khiển, sự căng thẳng trong cuộc sống gia đình trong tranh Vũ Ngọc Vĩnh. Nếu đặt cạnh nhau, rất có thể tác phẩm của hai nghệ sĩ sẽ khiến người xem phải khó chịu vì cảm giác gai góc, căng thẳng mà chúng đem lại.

Khu vực giếng trời là một điểm dừng chân thu hút. Một tác phẩm sắp đặt tiểu sành đặt ngay chính giữa khu vực này cùng series tranh sơn mài vẽ trên vóc tròn ở một bên tường đối diện với hai tác phẩm đất nung cũng tròn và bức tranh Phật ở bên còn lại tạo cho cả căn phòng một hòa sắc trầm, buồn, cảm giác hài hòa. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ vào từng tác phẩm ta sẽ thấy series tranh của Vũ Đức Trung có vẻ hơi mờ nhạt vì không có đột phá nào về mặt ý tưởng, kỹ thuật sơn mài cũng chỉ dừng lại ở mức lành nghề. Tác phẩm của Nguyễn Đức Phương thu hút bởi sắp đặt tiểu sành với vô số những hình trang trí trên bề mặt. Tuy nhiên sự tham lam chi tiết và hình dáng vòng cung không rõ nghĩa của tác phẩm lại khiến cho người xem bối rối không biết nghệ sĩ muốn nhấn mạnh vào câu chuyện gì. Bức tranh Phật treo trên tường nếu là một phần tác phẩm thì lại khó để liên hệ đến phần sắp đặt, nếu là một tác phẩm độc lập thì lại lạc lõng trong triển lãm.

Ở dãy tường bên kia khu vực giếng trời, series tranh trừu tượng của Phạm Hà Hải dễ bị lướt qua, vì lúc này người xem sẽ bị tiếng nhạc bài Hallelujahthu hút và liền muốn đi vào căn phòng có trưng bày một sắp đặt thực địa của Lê Phi Long. Trong tất cả 34 tác phẩm trưng bày tại Tỏa 2, “Đây là nhà của Thiên Chúa” là tác phẩm thu hút và có tính tương tác với người xem cao nhất. Căn phòng nhỏ choáng ngợp bởi tàn tích của một tháp chuông nhà thờ cũ. Một video những hình ảnh tác phẩm thực địa đưa người xem về chính không gian nơi tác phẩm ra đời. Tiếc là video này còn thiếu chút cảm giác ám ảnh và trừu tượng để làm tôn lên sắp đặt thực tế. Người xem có thể tương tác với tác phẩm bằng cách đi vòng quanh, len lỏi vào các khe trống giữa những mảnh vụn của đống đổ nát nằm rải rác trên sàn nhà và đọc những dòng chữ viết bằng phấn trắng, đứt quãng, thỉnh thoảng lại lặp lại như một lời hấp hối yếu ớt, trong khi phần vải vàng chắp nối kết cấu tháp chuông và nhất là dòng chữ vàng: HIC DOMUS EST DIEđược viết in hoa, to, ngay ngắn trên tường lại quá đỗi sạch sẽ, rực rỡ và chói lóa, giống như một tiếng nói uy quyền vẫn muốn khẳng định sự độc tôn, mãnh liệt, và thống trị của nó.

Phía sau cùng là chùm tác phẩm của Triệu Minh Hải. Thật kỳ lạ, trái với cái tên Trong vùng hỗn loạn, năm tác phẩm được vẽ rất tỉ mẩn bằng bút chì và mực trên toan này lại đem đến cảm giác khá tĩnh lặng trong lòng người xem. Có lẽ vì những nét bút cuồn cuộn vặn xoắn trên bề mặt tác phẩm gợi lên quá nhiều liên tưởng, bắt người xem phải bình tâm, ngồi lại, ngắm kỹ để cho những liên tưởng trôi qua trong đầu như những thước phim. So với tác phẩm của các họa sĩ cùng trưng bày trong triển lãm, series tranh của Triệu Minh Hải có lẽ là tác phẩm lược bỏ được tính hình thức và gợi lên trong lòng người xem nhiều cảm xúc nhất.

Phải nói rằng Tỏa 2 là một trong những triển lãm chất lượng mà VCCA thực hiện kể từ khi thành lập. Triển lãm có lẽ đã đạt được phần nào mục tiêu mà giám tuyển Mizuki Endo đã đề ra: “trở thành một mô hình chia sẻ mới, nơi tụ hội những hiểu biết sâu sắc về các đối tượng mỹ học, tạo ra những khác biệt, những sự đối lập giàu ý nghĩa.” cũng như mục tiêu của Phạm An Hải – người phối hợp chọn lựa tác phẩm cho triển lãm) – nhằm: “giới thiệu tới công chúng những gương mặt nghệ sĩ đương đại trẻ có triển vọng và sẽ còn tiến xa.”/

Có thể bạn quan tâm