TRIỂN LÃM “ĐẤT” - BÀI VIẾT GIÁM TUYỂN

ĐẤT đánh dấu triển lãm cá nhân của Lý Trực Sơn sau mười năm lao động nghệ thuật và miệt mài sáng tác để tìm kiếm một chất liệu ngôn ngữ mới. Giã từ chất liệu sơn mài – sơn ta, ngôn ngữ tạo hình truyền thống đã gắn với tên tuổi của mình, giã từ chất liệu giấy Dó vốn gắn với sự dịch chuyển linh hoạt đã theo ông trong suốt những năm tháng rong ruổi nơi xa xứ, ĐẤT là một cuộc hữu duyên từ chất liệu, không gian, thời gian, ngôn ngữ sáng tác, đến tâm thế và tinh thần nghệ thuật. ĐẤT là nơi khởi nguyên, nguồn cội, cũng như gốc rễ của thiên nhiên và con người, ĐẤT là khởi sinh và cũng là nơi kết thúc, ĐẤT là thứ vô hình và cũng hữu hình, ĐẤT là sự trần tục nhất và cũng là sự thiêng liêng nhất.

 

Với hoài bão và khát vọng kiếm tìm một ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt hoàn chỉnh — việc mà các bậc thầy hội họa Việt Nam còn đang dang dở cũng như định hình vị thế của nghệ thuật ở một vùng biên với các bậc danh họa thế giới, Lý Trực Sơn đã tiếp thu tinh thần của nghệ thuật Phương Tây, từ tư tưởng tiền Phục Hưng, ngôn ngữ nghệ thuật của Tapies, Rothko, Giacometti, Uecker đến tinh hoa của văn hóa Phương Đông, từ những họa tiết dân gian, tạo hình thời Lý-Trần đến thử nghiệm với những chất liệu tự nhiên nguyên sơ như đất, đá, cát, cây cỏ và các chất liệu tự nhiên khác. Ông cho rằng ngôn ngữ trừu tượng đã bắt nguồn từ thời nguyên thủy và mong muốn nắm bắt, lưu giữ phần nào đó vẻ bí hiểm đầy tính trừu tượng của thời gian, không gian mà ông hiện hữu. Ông chối từ tiến trình của thời gian, không gian và sự lịch sử hóa nhân tạo, chối từ những khuôn mẫu sáo rỗng về việc phân chia Nam Bắc, Tây Đông, xu hướng trừu tượng trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nếu mọi sự đổi mới và cách tân của nghệ thuật đương đại Việt Nam chỉ luôn đóng khung quanh giai đoạn Đổi Mới, vậy một người nghệ sĩ lãng du vượt khỏi không gian và thời gian ấy sẽ được định danh như thế nào? Liệu ĐẤT có phải phản hồi cho sự thiếu vắng nghệ thuật trừu tượng tại miền Bắc? 

 

Nổi bật lên giữa những tranh luận và diễn ngôn đa dạng về nghệ thuật trừu tượng của lịch sử nghệ thuật hiện đại và đương đại là quan điểm của nhà phê bình người Mỹ Clement Greenberg. Ông cho rằng nghệ thuật trừu tượng biểu hiện là hội họa thuần hội họa, một thứ nghệ thuật đạt đến sự thuần khiết trong sự tách biệt hoàn toàn khỏi bất kỳ chức năng của chính trị, hệ tư tưởng hay mang tính biểu tượng. Hay lý luận về Nghệ thuật trừu tượng biểu hiện đã trở thành vũ khí văn hóa trong Chiến tranh Lạnh ra sao trong bài luận của nghệ sĩ, sử gia nghệ thuật Eva Cockcroft. Chúng ta càng không thể phủ nhận tầm quan trọng của nghệ thuật trừu tượng trong chủ nghĩa hiện đại và sự tự vấn lại chính tính hiện đại trong tính trừu tượng của nghệ thuật đương đại toàn cầu ngày nay. 

 

Họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng người Đức Hans Arp đã từng nói: “Nghệ thuật như trái ngọt ấp ủ ra từ con người, như trái chín trổ trên cây, như đứa trẻ trong bụng mẹ. Trong khi quả từ cây được mặc định hình dáng độc lập và không bao giờ phải gắng giống như một chiếc trực thăng hay một vị tổng thống trong một bức vẽ, thì trái ngọt nghệ thuật của con người phần lớn cho thấy một tham vọng lố bịch để bắt chước vẻ ngoài của sự vật khác nhau. Tôi thích thiên nhiên nhưng không thích những thứ thay thế nó”. Chia sẻ hài hước đầy sâu cay để nói về sự bất khả của nghệ thuật trong việc mô phỏng lại thế giới của Hans Arp và nỗ lực của nghệ thuật trừu tượng trong việc tạo ra một thế giới và không gian riêng cũng có thể để ví với việc đặt tên và tạo nghĩa cho các tác phẩm của Lý Trực Sơn. Thay vào việc cố cắt nghĩa và lý giải ý nghĩa trong hơn 70 tác phẩm trong không gian triển lãm, ĐẤT mời người xem bước vào một trạng thái nhập định và chiêm nghiệm về lực hút huyền bí từ vô thức đã chỉ dẫn cho những sáng tạo của người nghệ sĩ hay sự hiện hữu vật lý từ cơ thể, chất liệu mà Lý Trực Sơn đã chắt lọc và kiến tạo nên vũ trụ của riêng mình. 

 

Hà Nội, tháng 9 năm 2024

Đỗ Tường Linh 

Có thể bạn quan tâm