Triển lãm “Hành tinh nhựa”: Các nghệ sĩ muốn kể điều gì?

Viết bởi Nguyễn Đức Tùng cho Hanoi Grapevine và VCCA
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Triển lãm “Hành tinh nhựa” tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) đang là sự kiện nghệ thuật thu hút rất nhiều sự quan tâm từ khán giả trong thời gian gần đây. Không chỉ bởi cách thức thực hiện đầy ấn tượng, các tác phẩm tại triển lãm cũng ẩn chứa rất nhiều câu chuyện liên quan tới con người của các nghệ sĩ.

Hanoi Grapevine đã có buổi trò chuyện cùng nghệ sĩ Phạm Thu Thủy từ Tòhe và ông Mizuki Endo, Giám đốc Nghệ thuật VCCA – hai đơn vị cùng phối hợp làm nên triển lãm.

Một phần bề mặt tác phẩm “Lốc Xoáy”

Thưa ông Mizuki, điều gì đã khiến VCCA và Tòhe cùng tổ chức triển lãm Hành Tinh Nhựa? Triển lãm này có ý nghĩa thế nào trong việc đưa nghệ thuật đương đại tới công chúng của VCCA?

Chúng tôi dự định tổ chức một triển lãm dành cho trẻ em và chúng tôi cần những chuyên gia có thể làm triển lãm vừa nghệ thuật mà vừa mang tính giáo dục. Tòhe là nhóm nghệ sĩ nổi tiếng với đầy đủ chuyên môn trong lĩnh vực đó. Vì vậy chúng tôi quyết định hợp tác với họ. Chất liệu nhựa đóng vai trò rất quan trọng trong concept của triển lãm. Nó ở khắp mọi nơi trong cuộc sống thường ngày của chúng ta và đầy rẫy ở đại dương, gây ra những vấn đề môi trường nghiêm trọng. Vì thế nhựa vừa đánh động trải nghiệm của mỗi cá nhân, vừa đưa ra vấn đề toàn cầu. Hình thức trình bày nghệ thuật của mỗi tác phẩm có thể truyền tải và kết hợp hai ý niệm đó với nhau theo cách riêng.

Đến với triển lãm “Hành tinh nhựa” nơi không gian bao bọc bởi những bức tường trắng tại VCCA, khán giả có thể quên đi không-thời gian thực tại bên ngoài. Tại nơi đây, trong chính hành tinh đã nhựa hóa đến từng tế bào này, con người và thiên nhiên tuy đều “sống” nhưng nguồn sống ấy lại cấu thành từ những thứ chất liệu sẽ hủy hoại sự sống. Càng chậm lại và suy ngẫm, khán giả sẽ càng thấy sự mâu thuẫn này rõ ràng hơn.

Chiếm nhiều diện tích của triển lãm nhất là bộ tác phẩm “Cánh đồng – Đại dương – Lốc xoáy”. Qua cách thức sắp đặt các tác phẩm, các nghệ sĩ muốn thể hiện điều gì?

Nghệ sĩ Phạm Thu Thủy: Nó là một cụm các yếu tố ngoài tự nhiên. Lốc xoáy biểu tượng cho gió, cái ruộng mình chọn là bởi nó liên quan đến đất, còn đại dương là nước. Mình muốn đặt ra một góc quan sát mà thông qua lăng kính làm tạo hình có thể đẩy nó lên thành những tác phẩm này. Ban đầu bọn mình dùng đất thật nhưng do phải để ở VCCA 2 tháng nên đất sẽ nứt ra và tác phẩm sẽ bị hỏng. Chính vì vậy mà mình dùng một loại đất sét của trẻ con. Lý do thứ nhất là vì nó có liên quan đến trẻ con, thứ hai là nó có gốc dầu nên sẽ giữ được lâu. Đó là cách tốt nhất mình có thể chọn.

Xin chị chia sẻ thêm về tác giả của những bức tranh trong tác phẩm “Vùng an toàn”?

Nghệ sĩ Phạm Thu Thủy: Tất cả các nghệ sĩ bé ở đây đều là các nghệ sĩ tự kỷ. Cái cách mình đặt nó thế này giống như một cái khu chung cư. Hình hộp là một dạng biểu tượng cho sự đóng khung. Bất cứ một sự an toàn nào đấy cũng cần được rào lại. Bên trong “vùng an toàn” cũng chưa chắc đã an toàn. Nó chỉ là một tên gọi khi khái niệm đóng khung vẫn còn.

Những tác phẩm đặt trong hộp có nắp đều là tranh của Đạt. Bạn ấy là một đứa trẻ tự kỷ mà bạn ấy còn là một trẻ tự kỷ không thể gần ai được. Bạn sẽ phải đứng ở một khoảng cách đủ “an toàn” để có thể nói chuyện được với Đạt. Đạt rất thích vẽ nhưng vẫn sợ có một thứ gì đó ở quanh mình nên bạn ấy vẽ rất từ từ. Thậm chí có bức Đạt vẽ cả tháng không xong. Trong tranh có những chi tiết rất là bé và không có người. Đấy là một dấu hiệu làm Đạt cảm thấy an toàn. Bởi vậy bọn mình đã lắp những tấm kính lúp để tới được gần tranh của bạn ấy hơn, một dạng tiếp xúc từ từ chứ không trực tiếp như các tác phẩm khác. Giống như khi bạn muốn yêu thương Đạt nhưng bạn ấy từ chối thì cũng chẳng để làm gì.

Nhìn vào bên trong những chiếc hộp, khán giả sẽ rất bị ấn tượng bởi từng chi tiết
trong thế giới an toàn của Đạt (Hình ảnh từ VCCA)

Mỗi bạn có một vùng an toàn cho riêng mình. Tranh của bạn Văn Minh Đức khi đặt hai màu cạnh nhau chúng phải khác biệt. Hoặc là một màu đậm cạnh một màu nhạt, hoặc một màu nóng cạnh một màu lạnh. Đó là sự an toàn từ trong người bạn ấy, và khi ra tranh thì cứ vậy thôi chứ không có tính toán gì cả. Đức rất khó chịu khi thấy những khoảng trắng. Chính vì vậy bạn ấy đòi hỏi phải tô thật kín và thật rõ ràng thì mới yên tâm.

Bạn Bình Minh lại khác bạn Đạt ở chỗ là Bình Minh rất thân thuộc với mọi người, thích giao tiếp, thích nói chuyện. Ban đầu bạn ấy cũng là một trẻ tự kỷ bình thường. Nhưng có một lần Minh bị ấn tượng rất sâu sắc khi được bố cho đến một khu vườn quốc gia ở nước ngoài. Từ đấy trở đi bạn ấy bắt đầu vẽ và chỉ vẽ hươu. Vùng an toàn đối với các bạn trẻ tự kỷ thường là làm lặp đi lặp lại những ký ức ấn tượng trong quá khứ. Tạo hình của những tác phẩm tượng giấy bồi cũng là Bình Minh làm hết. Bạn ấy có sở thích lấy băng dính cuốn giấy báo lại thành hình và cắt băng dính bằng răng.

Trong các bức tranh, Bình Minh luôn vẽ viền trước rồi mới tô màu. Vậy với những bức tượng giấy bồi, bạn ấy có vẽ phác trước không hay chỉ làm theo tưởng tượng?

Nghệ sĩ Phạm Thu Thủy: Tượng thì bạn ấy làm theo ý thích. Mình sẽ không đoán được Bình Minh sẽ tạo hình thế nào. Ví dụ như mấy cái giống như miếng đùi gà ở kia, thực ra đó là cái cây. Bạn ấy chỉ nhìn thấy được cái phổ quát, cái viền bên ngoài thôi chứ không nhìn được chi tiết. Đối với bạn ấy tất cả mọi thứ chỉ tồn tại ở dạng đường viền thôi.

Những tác phẩm tượng giấy bồi bởi Bình Minh luôn mang hình dạng phổ quát chứ không có từng chi tiết cụ thể. Màu sắc cũng hoàn toàn đồng nhất (Hình ảnh từ VCCA)

Trong toàn bộ những chiếc hộp của tác phẩm “Vùng an toàn”, các bức tranh cũng được đặt ở vị trí nông – sâu khác nhau. Có phải điều này cũng liên quan tới tính cách của từng tác giả?

Nghệ sĩ Phạm Thu Thủy: Về cách sắp đặt thì chỉ có hai mức độ xa gần và có những bức được đặt trong hộp có nắp và nhìn qua ô cửa kính lúp thôi. Mình muốn mọi người có nhiều cách nhìn khác nhau cho một khu chung cư thế này.

Trả lời câu hỏi về mục đích của lớp nhựa bọc bên ngoài các tác phẩm tranh, một thành viên trong nhóm thực hiện chia sẻ: “Đức có một hộp gọt bút chì lúc nào cũng để trong túi quần. Các bạn ấy sẽ luôn có một vật an toàn nào đó. Mình cũng có, một cách vô hình hoặc hữu hình. Người bình thường thì sẽ khéo léo hơn trong việc thể hiện nỗi sợ, còn các bạn ấy thì không. Thế nên bọn mình mới dùng lớp bọc nhựa bên ngoài như một cách dẫn dắt đến ý tưởng về khoảng cách.”

Không chỉ “Vùng an toàn”, tranh vẽ của các bạn nhỏ cũng góp phần làm nên bộ tác phẩm điêu khắc “Gia đình”. Các nghệ sĩ từ Tòhe đã tận dụng góc nhìn xã hội từ thế giới quan của thiếu nhi như thế nào?

Nghệ sĩ Phạm Thu Thủy: Những bức tượng được tạo hình đúng theo những bức tranh vẽ của các bạn nhỏ. Bọn mình làm đúng theo kích thước người thật vừa để các bé cảm thấy thích thú, vừa để cho thấy sự “nhựa hóa” của con người.

Tượng bố và mẹ trong bộ tác phẩm “Gia đình” (Hình ảnh từ VCCA)

Ở vị trí tận cùng trong không gian triển lãm là tác phẩm “Hộp bí mật”. Trong đó ẩn chứa những điều gì?

Nghệ sĩ Phạm Thu Thủy: Có ba phòng bí mật. Ban đầu có bốn nhưng về sau mình muốn liên kết tất cả lại với nhau giống như một đoạn đường hầm trong khu chung cư. Đây cũng là gợi ý nhỏ từ ông Mizuki, Giám đốc Nghệ thuật VCCA rằng “vùng an toàn” là nơi để mọi người nhìn vào, còn “hộp bí mật” là nơi mọi người bước vào đó và nhìn ra thế giới. Mỗi một phòng sẽ đưa đến những trải nghiệm khác nhau với những giác quan khác nhau. Có phòng trải nghiệm về nghe, có phòng trải nghiệm về nhìn, còn một phòng thì có thể sờ, nắm các đồ vật xung quanh.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông Mizuki Endo và chị Phạm Thu Thủy!

Có thể bạn quan tâm