Triển lãm Hình ảnh và Khoảng cách: Những ẩn dụ về công nghệ và thời biến chuyển

Viết và ảnh bởi Lê Thu Trang và VCCA
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Bằng các phương tiện đa dạng, Triển lãm Hình ảnh và Khoảng cách tái hiện những tác phẩm nổi tiếng nhất của Gustav Klimt và Egon Schiele đến với người yêu nghệ thuật, đồng thời đưa ra thông điệp về khoảng cách cũng như khả năng can thiệp của con người đối với tác phẩm nghệ thuật giữa thời đại biến chuyển.

Triển lãm diễn ra từ ngày 31/05 đến ngày 31/07/2020 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA), khu vực B1-R3, Vincom Mega Mall Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Thống nhất và đối lập trong hình ảnh của Gustav Klimt và Egon Schiele

Không gian triển lãm khá tối làm nổi bật 16 tác phẩm, 08 của Gustav Klimt và 08 của Egon Schiele, được trình chiếu qua nhiều thiết bị gồm máy chiếu, màn hình tivi, smartphone và laptop. Hai họa sĩ này cùng nằm trong dòng chảy những đột phá và sáng tạo của nghệ thuật châu Âu cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, cùng sống tại thành Vienna vốn được coi là trung tâm văn hóa của châu Âu và thời kỳ đó trở thành nơi chứng kiến rất nhiều biến cố của châu lục này. Cá nhân họ còn có mối liên hệ mật thiết bởi Gustav Klimt là người bảo trợ và hướng dẫn của Egon Schiele.

Không gian triển lãm Hình ảnh và Khoảng cách

Chủ đề nổi bật được tìm thấy trong cả tranh của Gustav Klimt và Egon Schiele là tình yêu, tính dục, vẻ gợi tình thẳng thắn, tranh khỏa thân. Gustav Klimt là họa sĩ thuộc trường phái tượng trưng và là một trong những thành viên xuất chúng nhất của phong trào Ly khai Vienna. Các tác phẩm của ông chủ yếu là chân dung và những ý niệm về sống – chết được diễn đạt bằng lối ngụ ngôn, ngoài ra cũng có một số tranh phong cảnh. Egon Schiele thì thuộc trường phái biểu hiện, đa phần ông vẽ chân dung, chân dung tự họa và tập trung nhiều vào xúc cảm, thái độ của nhân vật. Các bức tranh của hai họa sĩ được lựa chọn trình chiếu trong triển lãm thuộc các chủ đề khác nhau để cho thấy sự thay đổi trong hành trình sáng tác của mỗi nghệ sĩ.

Hình ảnh tác phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt, Sơn dầu và vàng lá trên toan
Hình ảnh tác phẩm Thiếu nữ, Sơn dầu trên toan của Gustav Klimt
Hình ảnh tác phẩm Mẹ và con II, Sơn dầu trên toan của Egon Schiele
Hình ảnh tác phẩm Bốn cây, tranh sơn dầu trên toan của Egon Schiele

Ngôn ngữ nghệ thuật của hai người cũng vô cùng khác biệt. Những chi tiết trong các bức vẽ của Gustav Klimt vô cùng tỉ mỉ, ông thường sử dụng các chấm màu và được biết đến với việc sử dụng lá vàng. Nhiều bức tranh của Gustav Klimt nổi bật với màu vàng rực rỡ, lấp lánh, gợi nhắc phần nào hơi hướng hội họa thời Byzantine. Nhân vật trong tranh Gustav Klimt thường có những tư thế kì lạ, nhưng tạo cảm giác rất tĩnh. Trong khi đó lối vẽ của Egon Schiele phóng khoáng, thô mộc và ám ảnh, tạo ảo giác như thể một bức tranh đang chuyển động. Các tác phẩm của hai nghệ sĩ này khi được đặt cạnh nhau càng làm nổi bật bản sắc độc đáo của từng người.

Hình ảnh bức tranh Sự sống và Cái chết Gustav Klimt và Tự hoa với cây hoa lồng đèn của Egon Schiele, được trình chiếu ở hai mặt của bức tường lớn tại trung tâm của không gian triển lãm

Lựa chọn về khoảng cách và gạch nối giữa những thời đại

Việc sử dụng nhiều phương tiện để trình chiếu các tác phẩm chính là nhằm tạo ra các ấn tượng, ẩn dụ và mời gọi về “khoảng cách” như trong tên triển lãm. Màn chiếu, máy tính hay điện thoại, mỗi công cụ đòi hỏi người xem phải di chuyển và chọn một vị trí cũng như khoảng cách phù hợp để thưởng thức tác phẩm. Đối với triển lãm này, sự đa dạng của khán giả và cách họ tương tác với từng tác phẩm trở nên rất quan trọng. Khi có một hay một số khán giả vô tình hay cố ý đứng trước máy chiếu, lập tức cái bóng của họ in hình lên tác phẩm và làm thay đổi tác phẩm gốc, tạo ra những bố cục và hiệu ứng thị giác khác nhau, thậm chí cả âm thanh và chuyển động cho tác phẩm (xem video) Bên cạnh đó trên mặt sàn có những vạch kẻ bằng băng dính dạ quang tạo thành nnhững ô vuông cạnh 2 mét – khoảng cách an toàn giữa con người được tạo ra trong thời kỳ giãn cách xã hội – một hệ quả ngoài mong muốn trong thời đại biến chuyển hôm nay. Những ô vuông gây liên tưởng đến một bàn cờ trên đó người xem là những quân cờ tự di chuyển nhằm giữ khoảng cách với nhau và với tác phẩm.

Tác phẩm Judith và cái đầu của Holofernes được trình chiếu trên màn hình điện thoại

Triển lãm này còn tạo ra một gạch nối từ thời đại của Gustav Klimt và Egon Schiele – một thời đại xoay vần mạnh mẽ với những tang thương của Thế chiến, dịch cúm Tây Ban Nha và cả những đột phá nghệ thuật mang nhiều giá trị, đến thời đại chúng ta đang sống – cũng là một thời đại biến chuyển nhưng với xu hướng toàn cầu hóa, sự tham gia của các phương tiện công nghệ thông tin, và gần đây nhất là hiểm họa của dịch bệnh.

Có bao nhiêu khoảng cách đã được nối dài từ những tác phẩm gốc nhuốm màu thời gian trong các bảo tàng phương Tây cho đến các bản sao nằm trên màn hình công nghệ tại Việt Nam, được tiếp nhận bởi những người Việt với một phông văn hóa khác trong một thời đại khác.? “Những gạch nối nào có thể được tạo ra để kéo gần lại những khoảng cách đó?” Công nghệ có thể mở ra những lựa chọn gì về cách chúng ta tiếp cận nghệ thuật? Công nghệ có thể làm thay đổi cách chúng ta sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật đến đâu? Và chúng ta có những lựa chọn nào? -Triển lãm đã gợi ra nhiều câu hỏi mở.

Có thể bạn quan tâm