Triển lãm "ĐÂY KHÔNG PHẢI GIẤC MƠ" - Bài viết giám tuyển
Lấy cảm hứng từ câu nói và tác phẩm bất hủ “Đây không phải là cái tẩu - Ceci n'est pas une pipe” của họa sĩ người Bỉ René Magritte, triển lãm “Đây không phải giấc mơ” lần đầu giới thiệu với khán giả yêu nghệ thuật Hà Nội các tác phẩm của hai bậc danh hoạ Siêu thực nổi tiếng thế giới René Magritte và Frida Kahlo.
Từ “Surrealist” – Siêu thực được nhà thơ tiền vệ người Pháp Guillaume Apollinaire lần đầu nhắc tới trong lời tựa cho một vở kịch được trình diễn năm 1917. Nhưng chỉ khi André Breton, một nhà thơ Paris khác cũng là thủ lĩnh của những nhóm thi sĩ và nghệ sĩ của Châu Âu viết lên Tuyên Ngôn Siêu Thực vào năm 1924 thì khái niệm này dần được nhắc đến phổ biến và đi vào lịch sử nghệ thuật. Từ đó chủ nghĩa siêu thực đã trở thành một trào lưu nghệ thuật chính thống, với dòng chảy chính trị, triết học và xã hội mạnh mẽ đã định nghĩa cho những phương pháp sáng tạo được sử dụng vô cùng đa dạng và phong phú của các nghệ sĩ. Chủ nghĩa siêu thực hướng đến cách mạng hoá trải nghiệm của con người. Nó đặt câu hỏi về ranh giới giữa lý trí, nhận thức cùng với sức mạng của vô thức và những giấc mơ.
Những nghệ sĩ trong phong trào này sử dụng nghệ thuật, điện ảnh, văn học để tìm thấy những điều kì diệu và vẻ đẹp kì lạ trong những thứ tưởng chừng như tầm thường và khác thường, họ đã để cho tâm trí vô thức của bản thân là trọng tâm trong khi sử dụng nhiều kĩ thuật khác nhau để lập bản đồ cho những giấc mơ cũng như những trí tưởng tượng sâu thẳm nhất của mình. Trên tất cả là mong muốn để thách thức nhưng giá trị và chuẩn mực bị áp đặt cũng như kiếm tìm sự tự do.
Rene Magritte (người Bỉ, 1898-1967) và Frida Kahlo (người Mexico, 1907-1954) là hai nghệ sĩ tuy đến từ hai hoàn cảnh và Châu lục khác nhau những có thể xem như hai thái cực dương và âm của trường phái Siêu thực. Như lời bộc bạch của chính mình, Frida Kahlo đã viết “Tôi không vẽ nhưng giấc mơ hay những cơn ác mộng, tôi vẽ thực tại của chính mình” thì Rene Magritte muốn đi sâu vào tâm thức của con người để đặt ra những câu hỏi về nhận thức. Rene Magritte viết: “Những thứ hữu hình có thể vô hình. Tuy nhiên, khả năng suy nghĩ của chúng ta nắm bắt được cả những thứ hữu hình và vô hình – và tôi sử dụng hội họa để làm cho những suy nghĩ trở nên hữu hình.” Ngôn ngữ Siêu thực của Frida Kahlo nhuốm màu cảm xúc và tự sự hết sức riêng tư trong khi đó ngôn ngữ Siêu thực của Rene Magritte là một sự hóm hỉnh, sắc sảo, thông minh nhưng cũng đậm chất thơ. Một người lấy chính mình làm chủ thể cho những sáng tác tưởng chừng như vô tận. Người còn lại gần như không bao giờ lộ diện nhưng không vì thế mà người xem có thể nhầm lẫn được dấu ấn và phong cách đặc trưng của ông. Những biểu tượng của đời sống hành ngày tưởng chừng như quá đỗi quen thuộc và nhàm chán lại được sắp xếp thành những bố cục và câu chuyện đầy bí ẩn.
Cũng như thông điệp của tác phẩm “Đây không phải là cái tẩu” nơi Rene Magritte đã tạo ra một tình huống nơi người xem sẽ phải băn khoăn về tính xác thực của việc đây có phải là cái tẩu hay không hay chỉ làm một sự tái hiện lại một cái tẩu. Liệu cái tẩu thực chất bản thể có đặt tên là cái tẩu hay không hay chỉ là một mã số xã hội mà con người chúng ta đặt. Triển lãm “Đây không phải giấc mơ” cũng mong muốn mở ra nhiều câu hỏi, cảm xúc, những suy tư khác nhau từ chính khán giả. Cũng như chính mong muốn khuyến khích nhiều cách đọc cách hiểu và cảm nhận các tác phẩm siêu thực khác nhau mà những nghệ sĩ bậc thầy mong muốn. Và để trân trọng giá trị các tác phẩm trong tiến trình phát triển sự nhận thức nhân loại ngày nay.
Năm 2022, bảo tàng Tate Modern (London, Anh Quốc) kết hợp cùng bảo tàng The Metropolitian Museum of Art (New York, Hoa Kỳ) cho ra mắt triển lãm Surrealism Beyond Borders – Chủ Nghĩa Siêu Thực Ngoài Ranh Giới, lần đầu tiên ngoài việc giới thiệu các tác phẩm của chủ nghĩa Siêu thực của Châu Âu xung quanh Paris những năm 1920 trong đó có tác phẩm của Rene Magritte và Frida Kahlo. Triển lãm còn trưng bày các tác phẩm của các nghệ sĩ trên khắp thế giới trong suốt 50 năm qua đã được truyền cảm hứng và gắn kết bởi chủ nghĩa siêu thực ra sao – từ nhiều trung tâm khác nhau như Buenos Aires, Cairo, Lisbon, Mexico City, Prague, Seoul và Tokyo. Cũng như để khẳng định Chủ nghĩa Siêu thực không chỉ là một phong cách – mà một trạng thái của tâm trí. Nó giúp các nghệ sĩ thách thức hiện thực, khai thác những ham muốn vô thức mang giấc mơ tới cuộc sống cũng như tưởng tượng ra một thế giới hoàn toàn mới. Và đó cũng là thông điệp “Đây không phải giấc mơ” muốn gửi gắm tới khán giản yêu nghệ thuật.
Đỗ Tường Linh