TRIỂN LÃM "FRAGMENTS": TÁC PHẨM "ĐƯỜNG NÉT" VÀ NHỮNG CÂU HỎI MỞ
"Đường nét" (2012) là một sắp đặt video hai kênh, được lấy cảm hứng từ một người bạn của Hiraki phải chịu chứng mất trí nhớ. Phần hình được chiếu lên hai màn hình cỡ lớn đứng riêng biệt, tạo thành một góc 90 độ. Một thành phần rất đặc biệt của tác phẩm đó là âm thanh – một chiếc máy chạy đĩa than, được đặt riêng biệt cạnh màn chiếu, chơi bản nhạc của Dale Berning và Ute Kanngiesser. Kĩ thuật Palindrom được Hiraki áp dụng vào bản nhạc, khi phần xuôi của bản nhạc kết thúc, nó sẽ tự động chơi lại, nhưng lại bắt đầu từ nốt cuối cùng đến nốt ban đầu.
Phim ngắn kể về một người đàn ông đang đấu tranh với kí ức của mình ngay tại căn phòng mình sống. Anh tỉnh dậy trong trạng thái trống rỗng, tìm cách ‘hiểu’ những đồ vật trong căn phòng và cố gắng sử dụng chúng. Trí nhớ của anh tuy phần nào được gợi lại nhưng sau đó dần bị xoá sổ một cách kì lạ.
Hình ảnh chiếc đĩa than xuất hiện khi nhân vật thức tỉnh, như trí nhớ của anh, nó biến hoá tính dụng và cấu trúc của mình. Một chiếc máy quay đĩa, đặt ngay ngắn trên bục trắng, đứng ngoài bờ biển chờ sóng đến bao quanh chân. Mỗi đường rãnh của chiếc đĩa than sau đó tự tách ra thành các sợi chỉ đen mỏng manh. Chúng luồn lách từ tai này qua tai kia của nhân vật, xuyên qua tường, khe cửa rồi biến mất. Bằng cách này, những kí ức của nhân vật đang rời bỏ anh. Và cũng như một phần của sắp đặt, chiếc đĩa than này sẽ chạy liên tục mỗi lần được đem ra triển lãm, cho đến ngày nó bị trầy xước hoàn toàn. Chiếc đĩa than chính là ẩn ý cho kí ức sống và tình yêu âm nhạc của người bạn của Hiraki. Nó sẽ dần dần biến mất như căn bệnh mà anh đang gánh chịu.
“Đường nét” để lại cho người xem rất nhiều câu hỏi mở, thúc đẩy ta phải tự sắp xếp hay hàn ghép các cảnh của bộ phim với nhau, khi nhân vật trong phim đang tìm lại cách sử dụng các đồ dùng trong phòng. Đây là cách Hiraki muốn thách thức trí óc của người xem, để họ tự đặt mình vào phim, cảm nhận sự hư cấu của căn phòng, của những đồ vật bị thay đổi tính dụng và làm người xem mất đi cảm giác thời gian thực. Dấu vết còn lại duy nhất của thời gian trong tác phẩm là bản nhạc được chơi vô tận, cho đến một ngày, nó không còn tồn tại nữa.
*Trích từ bài viết "Về triển lãm “Phân mảnh” của Hiraki Sawa tại VCCA: Một trải nghiệm đầy đặn" - bởi Namnggg và Lê Thuận Uyên cho Hanoi Grapevine
----
Triển lãm "Fragments" (Phân mảnh)
Mở cửa tự do từ ngày 4.8 đến ngày 7.10.2018 (Thứ Ba đến Chủ nhật, 10h - 20h)
Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), B1-R3, Vincom Mega Mall Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội