Triển lãm "TỎA 2"/"THE FOLIAGE 2"
Thời gian: 8/6/2018-15/7/2018
Địa điểm: Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), tại B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội)
“Tỏa 2” là sự tiếp nối ý tưởng của “Tỏa” với mong muốn lan tỏa nhiệt huyết sáng tác của các nghệ sĩ trẻ đến công chúng, đây là sự kiện đánh dấu 1 năm hoạt động của VCCA kể từ ngày 6/6/2017.
Giám tuyển của "Tỏa 2" là Giám đốc Nghệ thuật VCCA Mizuki Endo. Triển lãm trưng bày các tác phẩm thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau từ hiện thực, biểu hiện, trừu tượng đến sắp đặt,… của 10 gương mặt trẻ do Mizuki Endo và họa sĩ Phạm An Hải – người “đỡ đầu” cho những họa sĩ trẻ nhóm Viet Art Now lựa chọn.
Triển lãm bao gồm 34 tác phẩm của các nghệ sĩ: Nguyễn Nghĩa Cương, Hà Phước Duy, Tạ Minh Đức, Phạm Hà Hải, Triệu Minh Hải, Lê Phi Long, Nguyễn Đức Phương, Vũ Đức Trung, Lương Trung, Vũ Ngọc Vĩnh.
Tiếp nối tinh thần của “Tỏa”, “Tỏa 2” mở rộng không gian cho những phương thức biểu đạt cách tân và đa dạng: có sự tự vấn, suy nghiệm, có giao lộ của sự chia sẻ giữa nghệ sĩ với nhau cũng như nghệ sĩ với khán giả. Sự tương tác giữa tác phẩm với kiến trúc đặc trưng của không gian trưng bày làm nên những trình hiện và những sắp đặt chỉ có thể thấy ở VCCA.
Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 9/6 đến hết ngày 15/7/2018 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) tại B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trong khuôn khổ triển lãm, VCCA sẽ tổ chức ba cuộc tọa đàm nghệ thuật với các tác giả vào ngày 16/6, 30/6, 14/7 cùng các hoạt động minishow, workshop. Chương trình chi tiết sẽ được cập nhật trên website và trang fanpage chính thức của trung tâm. (www.facebook.com/VCCAVIETNAM)
Một số thông tin về các nghệ sĩ tham gia trong triển lãm:
Nghệ sĩ Phạm Hà Hải (1974)
Nghệ sĩ Phạm Hà Hải tốt nghiệp Thạc sĩ mỹ thuật tạo hình chuyên ngành hội hoạ (năm 2005) tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và hiện đang công tác tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Anh có tác phẩm trưng bày khá nhiều trong và ngoài nước, trong đó có triển lãm cá nhân “Đất và con người” năm 1998. Anh đạt giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật sinh viên năm 1997, Giải thưởng danh dự tại Triển lãm Mỹ thuật châu Á Philip Morris 1998 - 1999 và Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015.
Nghệ sĩ Hà Phước Duy (1984)
Tốt nghiệp Đại học Sài Gòn (1996) và Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Hà Phước Duy là một nghệ sĩ theo trường phái hiện thực, từng đoạt giải nhất Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016. Tiêu chí sáng tác của anh là: “Tôi vẽ những gì gần gũi, thân thuộc trong cuộc sống”.
Nghệ sĩ Lương Trung (1981)
Sau khi lấy bằng Thạc sĩ hội họa tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2010), hai năm sau Lương Trung đoạt giải thưởng Dogma Art Prize. Tranh của anh mang hơi thở hiện thực xen lẫn tinh thần biếm họa. Anh đã từng tham gia vào nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm như Festival họa sĩ trẻ toàn quốc (2011) và triển lãm nhóm của Artha Gallery, Thái Lan, triển lãm nhóm “Gương mặt”, Singapore.
Nghệ sĩ Vũ Ngọc Vĩnh (1978)
Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2007. Vũ Ngọc Vĩnh sử dụng bút pháp tả thực để khắc họa nhiều đối tượng nhân vật ngoại biên trong xã hội hiện tại. Anh từng tham gia các triển lãm nhóm và cá nhân: Triển lãm nhóm hiện thực, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (2015), Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (2005&2015), và Triển lãm các bức tranh Don Quixote, Đại sứ quán Tây Ban Nha. Tranh của anh nằm trong bộ sưu tập của nhà vua Morocco và nhiều bộ sưu tập khác trong và ngoài nước.
Nghệ sĩ Nguyễn Nghĩa Cương (1973)
Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1996 và sau đó trở thành một nghệ sĩ độc lập đã tham gia nhiều triển lãm nhóm và cá nhân như như “Sắc nét” của Art Vietnam Gallery, “Vệ nữ ở Việt Nam” của Viện Goethe, “Hậu Đổi mới” của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore. Nhiều tác phẩm của anh nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore và một số bộ sưu tập tư nhân... Tranh của Nguyễn Nghĩa Cương có hòa sắc tươi sáng, rực rỡ, chủ đề sử dụng đa dạng, hài hước.
Nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương (1982)
Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam vào năm 2007, Nguyễn Đức Phương không tham gia nhiều các cuộc triển lãm mà dành nhiều thời gian cho những trải nghiệm khác nhau về cả chất liệu và phương thức thực hành nghệ thuật. Cá tính của anh được thể hiện rõ nét nhất qua các sáng tác khổ nhỏ và đậm nét Á Đông Việt Nam. Cách tạo hình gợi lại kỹ thuật xây dựng hình ảnh mang đậm tính chất ước lệ, đơn giản, hồn nhiên, trong trẻo mà không kém phần chắc chắn tinh tế.
Nghệ sĩ Vũ Đức Trung (1981)
Anh tốt nghiệp Thạc sĩ tại Khoa Sơn mài, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Sáng tác của Vũ Đức Trung vận dụng các kỹ thuật của sơn mài truyền thống Việt Nam nhưng đã được phóng tác, thể nghiệm để đưa ra những tạo hình mang hơi thở đương đại.
Nghệ sĩ Lê Phi Long (1980)
Lê Phi Long sinh ra tại Huế, học nghệ thuật ứng dụng (thiết kế nội thất) tại Đại học Mỹ thuật Huế, sau đó sinh sống ở Hà Nội. Từ năm 2013, anh đến TP.HCM tham gia chương trình lưu trú của Sàn Art để thực hiện tiếp dự án nghệ thuật của mình. Chịu ảnh hưởng bởi không gian tinh thần Phật giáo, anh quan tâm đến thiên nhiên, môi trường; có cái nhìn rất tích cực đối với cuộc sống và tương lai. Việc đi nhiều, thực hành trên nhiều không gian khác nhau luôn mở ra cho anh những nguồn cảm hứng và ý tưởng mới cho anh.
Nghệ sĩ Triệu Minh Hải (1982)
Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2007, anh trở thành nghệ sĩ độc lập. Thực hành nghệ thuật của anh đa dạng, trải khắp các phương thức biểu đạt như vẽ, sắp đặt, video, âm thanh... Với kiến thức và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực khoa học, Triệu Minh Hải tìm thấy mối quan hệ năng động giữa nghệ thuật và vật lý, và vận dụng kiến thức đó để sáng tác. Anh sáng lập không gian mang tên “Puppets” tại Hà Nội.
Nghệ sĩ Tạ Minh Đức (1991)
Tạ Minh Đức tốt nghiệp trường Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội năm 2014. Các tác phẩm do Tạ Minh Đức biên kịch và đạo diễn chất vấn sự tồn tại và các mối quan hệ trong cuộc sống, sự cô lập của con người và tiềm ẩn bạo lực. Một số tác phẩm và hoạt động nghệ thuật gần đây của anh: “Phim số 1” trong Mini DOCFEST, liên hoan phim tài liệu và phim thử nghiệm tại viện Goethe Hà Nội năm 2014, Triển lãm sắp đặt âm thanh và video “Nhỏ và Mịn” năm 2014 tại Nhà Sàn Studio, Triển lãm nhiếp ảnh “Autopsy of the Day” tại viện Goethe Hà Nội năm 2013, Workshop về phim “Super 8” với đạo diễn Paolo Davanzo và Lisa Marr từ Echo Park Film Center…