Trò chuyện: Từ Biểu hiện đến Trừu tượng: Tính đa cảm trong trừu tượng hình học

Trò chuyện: Từ Biểu hiện đến Trừu tượng: Tính đa cảm trong trừu tượng hình học | From Expressionism to Abstract: the Sentimentality in Geometric Abstraction
Diễn giả: Hương Mi Lê
 
Thời gian: 20h00 - 21h30, Chủ nhật, ngày 06/03/2022
Buổi trò chuyện sẽ được thực hiện qua Microsoft Teams.
Link tham gia sự kiện sẽ được gửi tới email đăng ký trước sự kiện.
 
Khi nhắc tới trừu tượng hình học, chúng ta dễ mường tượng ra những tác phẩm có tính đồ hoạ cao, mức độ hoàn thiện cao, hấp dẫn về thị giác, và do đó mang tính trang trí nhiều hơn là biểu lộ cá nhân người nghệ sĩ. Tuy nhiên, những nghệ sĩ trừu tượng đi từ cảm quan của Biểu hiện vào đầu thế kỷ 20 đã minh chứng điều ngược lại.
 
Trào lưu chủ nghĩa Biểu hiện đã nổ ra ở Đức vào khoảng năm 1905 và nhanh chóng lan rộng khắp châu u, trở thành một trong những trào lưu mang tính hoạch định và và lớn nhất của chủ nghĩa Hiện đại trong nghệ thuật. Các nghệ sĩ Biểu hiện dùng nghệ thuật để biểu lộ nội tâm của mình, hay nói cách khác nghệ thuật xuất phát từ bên trong nghệ sĩ, và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng tác phẩm nghệ thuật do vậy cần phải dựa trên giá trị cảm xúc của tác giả - thay vì chỉ điều tra phân tích về tác phẩm như trước.
 
Thoạt đầu, các tác phẩm Biểu hiện được tạo ra trong truyền thống của chủ nghĩa Biểu tượng, với tạo hình theo chủ nghĩa Tự nhiên rõ rệt. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, các nghệ sĩ Biểu hiện nắm bắt được xu hướng lớn đương thời là trừu tượng hoá. Vẫn tiếp tục giữ tính biểu tượng cao và tính đa cảm đặc trưng, những người tiếp nhận xu hướng trừu tượng hoá tạo ra những tác phẩm tận dụng các yếu tố hình học, bảng màu đôi khi được tối giản, loại bỏ tính đại diện… mà đầy xúc cảm cùng tính thần bí, ngụ ngôn. Điều này thể hiện như thế nào thông qua thực hành của hai nghệ sĩ và thầy giáo tại Bauhaus - Paul Klee và Wassily Kandinsky, hãy cùng tìm hiểu với diễn giả Hương Mi Lê trong buổi trò chuyện tới đây nhé.
 
----------
Thông tin diễn giả:
Hương Mi Lê (Lê Hương Mi) (sn. 1991) là giảng viên tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, quản lý giáo dục tại Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, quản lý quan hệ công chúng của Á Space, và chủ mục Lịch sử thiết kế đồ hoạ của iDesign. Cô tổ chức và điều phối các lớp học, thảo luận về nghệ thuật và thiết kế, từng hợp tác với các đơn vị như VCCA, Sunday Art Club, Pencil Philosophy… Hương Mi Lê cũng là dịch giả và biên tập sách tự do, hợp tác với Thái Hà Books, viện Hán Nôm… Cô từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam. Bên cạnh đó, Hương Mi Lê là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác hoạt động dưới cái tên mi-mimi.
 
Một số sự kiện nghệ thuật mà Lê Hương Mi từng tham gia với tư cách nghệ sĩ: Triển lãm nghệ thuật thị giác nhóm Cõi riêng ảo / Virtual Private Realm, Manzi Art Space (2021, Hà Nội); Animal Theater 2019, Á Space (2019, Hà Nội); Poetry Plus – Performance Plus 2019, Mot+++ (2019, TP HCM); Khi Đàn Chim Trở Về / When the Birds Fly Home – Triển lãm Nhiếp ảnh và Kể chuyện, đồng sáng tác, Bảo tàng Phụ Nữ (2016, Hà Nội).
 
----------
Trò chuyện: Từ Biểu hiện đến Trừu tượng: Tính đa cảm trong trừu tượng hình học
Diễn giả: Hương Mi Lê
Thời gian: 20h00 - 21h30, Chủ nhật, ngày 06/03/2022
Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA)
B1–R3, Vincom Mega Mall Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Có thể bạn quan tâm