TRÒ CHUYỆN VỀ LẬP THỂ: TỪ TRAO LƯU HAI NGƯỜI TẠI PHÁP TỚI CÁC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM
TRÒ CHUYỆN VỀ LẬP THỂ: TỪ TRÀO LƯU NGHỆ THUẬT HAI NGƯỜI TẠI PHÁP TỚI CÁC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM
Chương trình không thu phí
Thời gian: 15:00-17:00, thứ Bảy 8.6.2024
Địa điểm: Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), tầng B1-R3, Vincom Mega Mall Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Link đăng ký: https://forms.gle/HcPhm8iVQyc1D9wb9
Chủ nghĩa Lập thể đôi khi được coi là một trào lưu hai người – tức là trào lưu của Pablo Picasso và Georges Braque. Trào lưu này bắt đầu từ năm 1907 tại Paris, rồi nhanh chóng chứng tỏ tầm ảnh hưởng mang tính cách mạng trên khắp giới nghệ thuật châu Âu và Mĩ.
Trong suốt những năm phát triển Lập thể, hai người nghệ sĩ hợp tác rất chặt chẽ với nhau, ăn mặc giống nhau và ví von mình với hai anh em nhà Wright, những cha đẻ nổi tiếng của máy bay. Picasso thậm chí còn gọi Braque là “Willbourg" và Braque thì tuyên bố “Những điều mà Picasso và tôi nói với nhau trong những năm ấy sẽ không bao giờ được nói ra lần nữa, và kể cả chúng có được nói ra, không ai có thể hiểu chúng được nữa. Chúng tôi đã giống như thể là bị treo với nhau trên một ngọn núi.” Chúng ta không biết Picasso và Braque đã nói với nhau những gì, nhưng rất nhiều nghệ sĩ đương thời đã choáng váng và lập tức say mê làm theo sau khi tiếp xúc với những tác phẩm Lập thể của hai nghệ sĩ này.
Khoảng 30 năm sau đấy, chàng sinh viên mĩ thuật trẻ tuổi Tạ Tỵ ở Việt Nam cũng trò chuyện với bạn bè ngay trong sân trường về sự phát triển của nghệ thuật thế giới, bày tỏ sự thôi thúc muốn được bắt kịp và sáng tạo hơn nữa. Ông vẫn thường được coi là người đầu tiên ở Việt Nam vẽ Lập thể.
Lập thể giải phóng hình dạng và phối cảnh trong hội họa, cùng với những trào lưu cùng thời khác như Dã thú và Vị lai đã giải phóng nghệ thuật và nghệ sĩ khỏi những bó buộc truyền thống. Rộng hơn, Lập thể góp phần thay đổi cách nhìn của con người về thế giới khách quan và về sản phẩm chủ quan do mình tạo ra.
Cùng với diễn giả – nhà giáo dục Hương Mi Lê, chúng ta sẽ xem xét và bàn luận về Lập thể trong lịch sử nghệ thuật, từ nguồn gốc của nó tới những biểu hiện tại Việt Nam – tuy không nhiều bằng một số trào lưu đầu Hiện đại khác nhưng cũng cho ra đời những tác phẩm xuất sắc.
*
Hương Mi Lê (Lê Hương Mi) là một nhà giáo dục, dịch giả, tác giả, người xây dựng và điều phối nhiều chương trình về nghệ thuật và thiết kế – trong đó bao gồm chuỗi trò chuyện ca'talks và khoá học cảm thụ nghệ thuật hàng năm cùng CA’ Library - Thư viện Kiến trúc và nghệ thuật. Mi đã và đang làm việc với các đơn vị như Goethe-Institut tại Hà Nội, Vinschool, The Outpost Art Organisation, Omega+, Thái Hà Books, Viện Pháp tại Hà Nội và TPHCM, VCCA, Sunday Art Club, Pencil Philosophy, Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, Á Space, tạp chí Người Đô Thị, tạp chí Phụ Nữ Mới v.v. Cô cũng là giảng viên tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab và là chủ mục Lịch sử thiết kế đồ hoạ của iDesign. Ngoài ra, Mi thực hành nghệ thuật toàn diện dưới cái tên mi-mimi.