Tương lai của Thời gian - Bài viết Giám tuyển
Tương lai của Thời gian là một workshop và trưng bày nghệ thuật các tác phẩm hội họa, điêu khắc, sắp đặt nhân dịp lần đầu tiên giải VinFuture được trao tặng. Cũng là lần đầu một workshop được tổ chức ngay tại không gian của một trường đại học không phải là trường nghệ thuật. Cũng thật độc đáo khi song hành với lễ trao giải của một giải thưởng về khoa học công nghệ lại là một triển lãm nghệ thuật.
Trước khi trở thành một nhà quản trị, một nhà khoa học về máy tính, một nhà gì đó đi chăng nữa thì trước tiên họ phải là một con người. Môi trường giáo dục đại học nào cũng phải là giáo dục nhân văn. Tương lai của những “nhà đó” bắt đầu từ hôm nay, từ một nền giáo dục nhân văn, một nền giáo dục khai phóng (Liberal art education). Một nghệ sĩ có thể không hiểu về một công thức toán học, vật lý, nhưng một kỹ sư phần mềm, một bác sĩ thì bắt buộc phải có một tâm hồn đẹp, phải hiểu biết thi ca, văn chương nghệ thuật, vì bản chất của giáo dục khai phóng là dạy cách học, học cách suy nghĩ và học cách sống. Chẳng có một ngành khoa học nào, nghệ thuật nào mà lại không gắn chặt vào giá trị con người. Nghệ thuật bao giờ cũng là câu chuyện của cá nhân, là con đường riêng của mỗi nghệ sĩ, là phong cách. Giáo dục cũng vậy. Giáo dục chính là cá nhân hóa giáo dục. Ở điểm này thì nghệ thuật và giáo dục gặp nhau.
Trong tương lai có thời gian, trong thời gian có tương lai. Giáo dục, trong bản chất của nó là đầu tư cho tương lai, hướng đến tương lai. Các nhà khoa học đo lường tương lai của thời gian bằng các giải pháp công nghệ, từ đồng hồ cát đến đồng hồ thạch anh, đồng hồ nguyên tử… Nghệ thuật đo thời gian bằng cái đẹp, bằng một bảng màu đẹp, hòa sắc đẹp, bằng giai điệu đẹp…
Workshop Tương lai của Thời gian kéo dài một tuần và kết thúc bằng triển lãm cùng tên với các tác phẩm của 20 nghệ sĩ. Mỗi người một cách đo, cách kể câu chuyện tương lai của thời gian theo cách của mình.
Với họa sĩ NGUYỄN NGỌC TUẤN, cuộc sống xung quanh chúng ta luôn xuất hiện những điều đẹp đẽ. Anh luôn yêu thích nắm bắt những điều đó với việc ghi chép lại bằng màu sắc của hội họa.
Họa sĩ NGUYỄN TRẦN CƯỜNG cho rằng thiên nhiên, cây cỏ luôn mang lại cảm xúc cho anh. Vì vậy anh muốn diễn tả chúng một cách chân thành nhất.
Nhà điêu khắc NGUYỄN NGỌC LÂM lại dùng hình tượng Cánh diều cho sáng tác của mình tại không gian trường đại học VinUni. Với ý nghĩa tri thức và học thuật như cánh diều sẽ đưa những tâm hồn, những ước mơ của chúng ta bay cao và bay xa.
Theo nghệ sĩ LÊ ĐĂNG NINH câu chuyện về những chiếc máy bay rơi ở Hà Nội những năm 1960, và trò chơi gấp máy bay bằng giấy thuở còn ngồi ghế nhà trường, là những kí ức trở về với thời gian, kể về nó như những lần nhắc nhớ về lịch sử của dân tộc và những điều tốt đẹp khi chúng ta đi qua. Ninh sử dụng chất liệu sắt tôn, kết hợp với nghệ thuật gấp giấy origami tái hiện trò chơi máy bay giấy trong một không gian của trường học. Tác phẩm sắp đặt “Máy bay giấy” như một lời tri ân lịch sử, và những kỉ niệm thời niên thiếu.
Đề tài dân tộc miền núi là đề tài mà họa sĩ LÊ THẾ ANH đã và đang theo đuổi nhiều năm nay. Ở Workshop này họa sĩ sẽ tiếp tục triển khai đề tài đó.
Họa sĩ HOÀNG LONG HẢI cho rằng giáo dục là lịch sử - lịch sử đã tiếp diễn, lịch sử đang tiếp diễn và lịch sử sẽ còn tiếp diễn. Nói cách khác - giáo dục chính là thời gian - khi con người tồn tại, giáo dục sẽ luôn tồn tại. Hai bức tranh - mỗi bức tượng trưng cho quá khứ - hiện tại - tương lai, biểu hiện sự trường tồn của giáo dục được trưng bày thành một tác phẩm panorama: sau cùng, sự tồn tại của một mạng người cũng thật nhỏ bé so với sự vĩ đại của giáo dục. Mượn những hình ảnh thân thuộc từ hoạ tiết trống đồng được đương đại hoá, Hoàng Long Hải tin rằng di sản văn hoá (đặc biệt là nghệ thuật) sẽ luôn được giữ gìn và còn mãi với thời gian. Bởi lẽ, giáo dục chính là thời gian, giáo dục chính là những dòng chữ trải dài, con người đơn giản chỉ là cầu nối cho sự trường tồn của kiến thức.
Nhà điêu khắc LÊ LẠNG LƯƠNG cảm được ngọn núi dịch chuyển, giao thoa trời đất (mang dáng đi của con người). Với Lê Lạng Lương, mọi thứ đều có thể thay đổi.
Với họa sĩ NGUYỄN THU THỦY, các chấm màu tạo chiều hút không gian và mang ý nghĩa ẩn sâu, lớp này lấp lánh dưới lớp kia. Các chấm màu cũng tạo cảm giác vô tận về vòng thời gian cũng như các chiều khác nhau của không gian.
Đối với nhà điêu khắc ĐÀO TÂN, có những thứ chỉ là khoảnh khắc, có những thứ mãi đọng lại trong ta. Không gian bao trùm lên mọi thứ, bất chợt có khi ta cảm nhận được một không gian thân quen ở sâu trong tâm trí tưởng chừng đã bị lãng quên. Có thể vui, có thể buồn, có thể bồi hồi..., những không gian của quá khứ đã mất đi, của ngày hôm nay đang mất đi, của ngày mai. Nghĩ về những thứ đã qua không phải là để ta chìm đắm trong nó, mà để hôm nay ta biết trân trọng hiện tại hơn.
Nhà điêu khắc TRẦN AN lấy cảm hứng từ không gian, cảnh quan trường Đại học VinUni, tác phẩm như loài thực vật ngàn năm trải qua sự phong hoá bởi thời gian, để lại cốt lõi và huyết mạch nuôi dưỡng sự sống mới. Sự sống mới phân nhánh với những khối tròn như những búp lá, nụ hoa chứa đầy năng lượng, hướng lên bầu trời đợi ngày bung nở như hứa hẹn một tương lai mới tươi sáng và rực rỡ.
Họa sĩ TRẦN MẠNH LINH lấy cảm hứng sáng tác từ vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên với cỏ cây và mặt nước. Linh diễn tả một góc hồ hoa súng, bụi cỏ lau, mặt nước soi bóng, phản chiếu cuộc sống tự do, yên bình... với gam chủ đạo là xanh lá, xanh rêu…
Nữ họa sĩ VĂN DƯƠNG THÀNH thể hiện phong cách ấn tượng và trừu tượng gợi hình. Với chị, màu sắc tươi sáng rực rỡ và có nhạc tính. Những bông hồng rất nhiều màu sắc nở rộ trong vườn VinUni có những bông hoa tuổi ông bà đã để lại đài hoa, bên cạnh những bông đang nở viên mãn và những chùm nụ mới nhú biểu hiện cho sự tiếp nối của các thế hệ, sự hòa đồng, đoàn kết, cùng nhau vươn tới cái đẹp, lan tỏa tình yêu thương và lòng nhân ái.
Họa sĩ TRỊNH CẨM NHI lấy cảm hứng từ hình ảnh mặt trời, các tác phẩm sử dụng mảng chuyển đậm nhạt của màu để thể hiện hướng đi của ánh sáng, trong đó ẩn hiện những gợi ý hình ảnh cây cỏ như biểu tượng của những điều tốt đẹp được nuôi dưỡng qua thời gian.
Nghệ sĩ VŨ KIM THƯ cho rằng, khi đại dịch bùng phát là lúc chúng ta dành nhiều thời gian hơn trên màn hình từ công việc đến giải trí, từ giáo dục đến cập nhật tin tức. Chúng ta không thay đổi được thông tin, nhưng chúng ta có thể thay đổi thái độ của bản thân mình đối với chúng. Vậy nếu có thể tự có một kênh truyền hình của riêng mình thì bạn sẽ muốn đăng tin gì? Vũ Kim Thư muốn thử nghiệm những chiếc TV bằng giấy bồi kết hợp ánh sáng để tạo ra những kênh truyền hình của riêng mình. Vậy bạn thấy tin gì qua những màn hình TV này ?
Nhà điêu khắc LƯƠNG VĂN VIỆT mang tới tác phẩm Mảnh ghép. Với sự kiến tạo cuộc sống, ở một khía cạnh nào đó, chúng ta luôn đi tìm sự gắn kết để tạo ra sự hoàn thiện và vững chắc hơn để cùng phát triển. Đối với nghệ thuật, mảnh ghép được liên kết với nhau, đó là một cách tạo hình để tạo được nhiều góc nhìn và truyền tải được hết ý tưởng của tác giả.
Nghệ sĩ ĐỖ HIỆP muốn sử dụng vật liệu tái chế kết hợp ánh sáng như một đóng góp về trách nhiệm của mỗi người với tương lai. Thông qua tác phẩm của mình, anh muốn nói rằng hoa đẹp, cuốn hút nhưng sẽ trở nên độc hại nếu không sử dụng đúng cách.
Tác phẩm của họa sĩ VÀNG HẢI HƯNG được lấy cảm hứng trực tiếp từ không gian và những thay đổi về lối kiến trúc của VinUni, và mong muốn ghi lại không khí, thời gian con người trong một giai đoạn hiện tại với màu sắc của những ngày cuối năm trong bối cảnh vẫn còn ảnh hưởng bởi covid-19.
Từ sự ấn tượng với không gian và tinh thần của những sinh viên VinUni đã hình thành cho họa sĩ CAO THỤC cảm xúc và chất liệu sáng tác. Hai tác phẩm được lấy cảm hứng từ những khung cửa rộng lớn phản chiếu không gian trong và ngoài của ngôi trường thể hiện một phần cảm nhận trong những ngày làm việc tại không gian nơi đây.
Tác phẩm của nhà điêu khắc VŨ BÌNH MINH là những cảm xúc về sự đa dạng hình thái, sự biến đổi vận động tràn đầy năng lượng trong thiên nhiên, hay chính những xoay chuyển của thời gian, không gian - sự vận động vạn biến của cuộc sống.
Nhà điêu khắc THÁI NHẬT MINH lấy cảm hứng từ hình tượng các vị thần trong nhiều nền văn hoá cổ, với bố cục đăng đối, cân bằng, tĩnh lặng. Tác phẩm “Thánh nữ” như một cổng kết nối giữa không gian thực tới các miền không gian hư ảo trong suy tưởng của người xem.
*
Cách đây hơn 2.500 năm, Đức Phật Thích Ca đưa ra tư tưởng “như nhất”, tất cả là một. Một chứa tất cả, tất cả trong một. “Từng giọt sương thu cả mênh mông” (Trịnh Công Sơn). Khoa học hôm nay cũng chứng minh được rằng, tất cả là một, vật chất có thể chuyển hóa thành năng lượng, không gian và thời gian là một. Thời gian là một trong những chiều của không gian.
Đại thi hào Nguyễn Du trong câu mở đầu Truyện Kiều cũng nói ý đó “Trăm năm trong cõi người ta”. Trăm năm là thời gian, cõi người là không gian.
Khoa học, kỹ thuật, công nghệ nào cũng hướng đến mục đích làm cho cuộc sống của loài người tốt hơn, đẹp hơn. Cũng như thời gian, nghệ thuật là một chiều của không gian. Nghệ thuật, thời gian, không gian là một, là một đẹp, là đẹp.
Giám tuyển LÊ THIẾT CƯƠNG
01.2022