Về triển lãm “Phân mảnh” của Hiraki Sawa tại VCCA: Một trải nghiệm đầy đặn
Viết bởi Namnggg và Lê Thuận Uyên cho Hanoi Grapevine
Ảnh bởi VCCA
Bản quyền hình ảnh và bài viết thuộc về tác giả, Hanoi Grapevine và VCCA, cấm sao chép và đăng tải lại dù chỉ một phần nếu không có sự đồng ý của tác giả
Trước khi tới triển lãm “Phân mảnh”, những mô tả sơ bộ được tìm thấy về tác phẩm của Hiraki Sawa là về những hành trình thú vị khám phá không gian tâm lý, nơi khung cảnh hướng nội đan xen với thế giới của trí tưởng tượng. Các tác phẩm của anh khá nổi tiếng và có yêu cầu kĩ thuật phức tạp, vì thế khi được biết nghệ sĩ sẽ có triển lãm cá nhân tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) – một không gian nghệ thuật đáng chú ý còn khá mới trong bản đồ nghệ thuật Hà Nội – không ít người tò mò cũng như hoài nghi. Không kỳ vọng gì nhiều, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ và thoả mãn với trải nghiệm của mình.
Ấn tượng đầu tiên về triển lãm có lẽ là cách sắp đặt các tác phẩm. Vô tình hoặc hữu ý, không gian triển lãm được chẻ nhỏ ra thành năm khu vực. Chào đón người xem là hai tác phẩm video đơn kênh “Sleeping machine I & II”. Hai tác phẩm nằm trong một hành lang kính mà khán giả có thể xem từ hai phía – trong và ngoài triển lãm. Tác phẩm tràn ngập hình ảnh những đàn cừu tản mát trong những ngôi nhà hoang, kim đồng hồ liên tục đảo chiều và các bánh răng xoay vần, đưa người xem vào thế giới giàu tưởng tượng của tác giả. Từ ‘sảnh chào’ này, khán giả bắt đầu khám phá không gian của những mảnh kí ức, thời gian: những màn hình nhỏ xíu được chế tác từ hộp đồ chơi, hộp đồ cá nhân bằng gỗ nằm lọt thỏm trên bàn trắng như những mảnh kí ức vương vất; hay những video đa kênh và đơn kênh chiếm hữu đáng kể khoảng không gian.
Toàn bộ không gian gợi ra một trạng thái mơ màng (dream-like), nửa mờ nửa tỏ, như khi con người đang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê (Hypnagogia), đứng giữa ranh giới của nhận thức tỉnh táo và vô thức, đi xuyên qua những khoảng thời gian phi vật chất. Đột nhiên, những bức ảnh gia đình hiện hữu trong hình hài những con tem: hình ảnh tĩnh duy nhất trong một thế giới của hình ảnh động, chi tiết hiếm hoi trong cả triển lãm mà con người xuất hiện ở vị trí trung tâm, rõ nét, dù thực tế đã bị làm nhoè bởi các nét vẽ. Tem là công cụ đưa thông điệp cá nhân đi qua các vùng địa lý, hình ảnh con tem liên tục được thay đổi thể hiện hình ảnh phù hợp với hiện tại. Phải chăng việc vẽ mực trắng lên những tem ảnh này là cách nghệ sĩ suy nghiệm về kí ức gia đình của chính mình, hay là nỗ lực kể lại những câu chuyện đằng sau khuôn hình tĩnh mà anh còn nhớ?
Đi tiếp vào sâu trong không gian triển lãm, người xem lại bắt gặp các tác phẩm video – những tác phẩm được sáng tác trong ba năm liên tiếp, bao gồm cả tác phẩm video đầu tay của tác giả. Đây là câu chuyện của những thay đổi, của trải nghiệm di cư, của va đập văn hoá. Sau cùng, triển lãm đưa khán giả tới tác phẩm “Đường nét”, một sắp đặt video hai kênh chiếu lên hai khối tường lớn sừng sững, và một bàn đặt máy quay đĩa ở phía góc ngoài căn phòng. Ánh sáng trong khu vực triển lãm chỉ điểm xuyết, để người xem không vô tình va phải những băng ghế nghỉ, để tạo những điểm nhấn “nịnh mắt” khán giả. Khác với một số triển lãm tại Hà Nội, “Phân mảnh” không quá nhiều tác phẩm. Các tác phẩm dù có phần ‘thưa thớt’ và ‘kiệm lời’ nhưng không hề vơi về cảm xúc. Sự trống trải, thiếu vắng sự hiện diện chắc chắn của con người (hình ảnh con người xuất hiện như một chi tiết bé nhỏ, không rõ nét, được biến hoá thành những hoạt ảnh có phần vô tri vô giác) vừa kích thích trí tò mò, vừa nhen nhóm một cảm giác cô quạnh, bất an. Bên cạnh đó, triển lãm cũng đầy ắp cảm thức của sự dịch chuyển: từ âm thanh máy bay cất cánh, từ hoạt ảnh những đồ vật biết đi, những đoàn người lơ lửng di chuyển không ngừng…
Triển lãm là câu chuyện hình ảnh của những mảnh ghép kí ức, của cảm xúc cá nhân khi bước qua các mốc thay đổi trong cuộc sống, vỡ tan trong không gian thành các mảng, hiện hữu dưới nhiều dạng thức khác nhau. Khái niệm về thời gian xuyên suốt khắp các tác phẩm – thời gian lộ diện dưới các lớp hình ảnh vật lý lẫn những cảm xúc: chuyển động thời gian, sự dịch chuyển, hồi ức và qua cả sự mong manh của đời người. Hơn nữa, thời gian của Hiraki Sawa được người nghệ sĩ xử lý một cách hoàn hảo. Với nghệ sĩ video này, có lẽ thời gian là chất liệu của anh – quá trình hậu kì là lúc nghệ sĩ trực tiếp điều khiển nhịp điệu và không gian – để anh đúc/tạc nên những tác phẩm. Mối quan tâm đến không gian và thời gian có lẽ được hằn sâu khi anh chuyển từ Nhật sang Anh sinh sống và khi anh di chuyển tới nhiều vùng địa lý dưới vai trò nghệ sĩ độc lập. Thời gian của Hiraki Sawa vừa lững thững mà lại vô cùng dồn dập.
Qua buổi trò chuyện nghệ thuật tổ chức tại VCCA cách đây khoảng 3 tuần, một số người thắc mắc tại sao Hiraki Sawa từng học điêu khắc mà lại chuyển sang sáng tác bằng chất liệu video. Hiraki Sawa trả lời rằng giống như đạo diễn huyền thoại Tarkovsky, thực hành của anh tương tự việc ‘tạc vào thời gian’. Thực ra, dù chưa cần có câu trả lời của nghệ sĩ, có lẽ dấu ấn điêu khắc luôn ở đó, vương vất trong các khuôn hình tác phẩm của anh, cũng như sừng sững ở các khối tường thạch cao được xây dựng như một phần của tác phẩm chứ không đơn thuần là màn chiếu. Chúng như những hiện vật điêu khắc khổng lồ, cần không gian riêng của mình để mời gọi người xem ‘lặn ngụp’ trong thế giới hình ảnh của chúng. Cùng lúc đó, tất cả những khối hình này tạo thành một bố cục lớn hơn, mở ra nhiều chiều cho triển lãm.
Nhìn chung, “Phân mảnh” có thể coi như đã thành công trong việc mang đến cho khán giả một bữa tiệc hình ảnh và âm thanh, cảm xúc đầy đặn.
Một số tác phẩm đáng chú ý của Hiraki Sawa trong triển lãm:
“Đường nét” (2012)
Là một sắp đặt video hai kênh, được lấy cảm hứng từ một người bạn của Hiraki phải chịu chứng mất trí nhớ. Phần hình được chiếu lên hai màn hình cỡ lớn đứng riêng biệt, tạo thành một góc 90 độ. Một thành phần rất đặc biệt của tác phẩm đó là âm thanh – một chiếc máy chạy đĩa than, được đặt riêng biệt cạnh màn chiếu, chơi bản nhạc của Dale Berning và Ute Kanngiesser. Kĩ thuật Palindrom được Hiraki áp dụng vào bản nhạc, khi phần xuôi của bản nhạc kết thúc, nó sẽ tự động chơi lại, nhưng lại bắt đầu từ nốt cuối cùng đến nốt ban đầu.
Phim ngắn kể về một người đàn ông đang đấu tranh với kí ức của mình ngay tại căn phòng mình sống. Anh tỉnh dậy trong trạng thái trống rỗng, tìm cách ‘hiểu’ những đồ vật trong căn phòng và cố gắng sử dụng chúng. Trí nhớ của anh tuy phần nào được gợi lại nhưng sau đó dần bị xoá sổ một cách kì lạ.
Hình ảnh chiếc đĩa than xuất hiện khi nhân vật thức tỉnh, như trí nhớ của anh, nó biến hoá tính dụng và cấu trúc của mình. Một chiếc máy quay đĩa, đặt ngay ngắn trên bục trắng, đứng ngoài bờ biển chờ sóng đến bao quanh chân. Mỗi đường rãnh của chiếc đĩa than sau đó tự tách ra thành các sợi chỉ đen mỏng manh. Chúng luồn lách từ tai này qua tai kia của nhân vật, xuyên qua tường, khe cửa rồi biến mất. Bằng cách này, những kí ức của nhân vật đang rời bỏ anh. Và cũng như một phần của sắp đặt, chiếc đĩa than này sẽ chạy liên tục mỗi lần được đem ra triển lãm, cho đến ngày nó bị trầy xước hoàn toàn. Chiếc đĩa than chính là ẩn ý cho kí ức sống và tình yêu âm nhạc của người bạn của Hiraki. Nó sẽ dần dần biến mất như căn bệnh mà anh đang gánh chịu.
“Đường nét” để lại cho người xem rất nhiều câu hỏi mở, thúc đẩy ta phải tự sắp xếp hay hàn ghép các cảnh của bộ phim với nhau, khi nhân vật trong phim đang tìm lại cách sử dụng các đồ dùng trong phòng. Đây là cách Hiraki muốn thách thức trí óc của người xem, để họ tự đặt mình vào phim, cảm nhận sự hư cấu của căn phòng, của những đồ vật bị thay đổi tính dụng và làm người xem mất đi cảm giác thời gian thực. Dấu vết còn lại duy nhất của thời gian trong tác phẩm là bản nhạc được chơi vô tận, cho đến một ngày, nó không còn tồn tại nữa.
“Ngồi loanh quanh” (2004)
Là tác phẩm video đa kênh đầu tiên của Hiraki Sawa. Thế giới trong mơ của những phép nhiệm màu hiện ra trên ba phông hình khác nhau: không gian bên trong một ngôi nhà yên bình, không thấy xuất hiện bóng dáng con người, nơi những vật vô tri vô giác tỉnh giấc, đi lại khắp nơi. Hình ảnh đầu tiên hiện ra tựa như rừng cây phủ trắng tuyết, thực tế là góc cận của một tấm thảm, trên đó có một con ngựa gỗ bập bênh nhè nhẹ. Trong nhà tắm nơi có một bồn nước gần đầy xuất hiện những hình ảnh ngựa gỗ khác cũng liên tục di chuyển bập bềnh trên làn nước. Trên một màn hình khác là những cuốn sách, dồn lại như đất liền giữa biển khơi, trên ốc đảo đó đoàn người và lạc đà lặng lẽ di chuyển, xung quanh trên biển nhấp nhô những mô hình tàu thủy. Sawa tạo ra một thế giới siêu thực mơ mộng bằng cách hoạt ảnh hoá, thay đổi kích thước của các nhân vật, đặt chúng cạnh nhau trong một trật tự nội cảnh (domestic). Khung ảnh này làm ta liên tưởng đến khung cảnh giàu tưởng tượng của tuổi thơ – có lẽ là chính là tâm trí của Sawa khi anh còn là một đứa trẻ. Ba kênh hình không nằm phẳng trên cùng một bức tường mà tạo một góc khum như bao trọn lấy người xem vào không gian riêng của chúng. Toàn cảnh đẹp vô cùng nhưng đồng thời cũng khá ám ảnh, dẫn chúng ta tới nhiều liên tưởng khác nhau. Điều này cũng thể hiện một Sawa rất ‘vững’ trong việc kiểm soát thời gian, không gian cũng như trong cách dẫn dắt cảm xúc của người xem.