
"Tái chất Hoàn sinh – Vật chất Tái sinh – Materia Renata" - Bài viết giám tuyển
Trong triển lãm "Tái chất Hoàn sinh – Vật chất Tái sinh – Materia Renata", Nguyễn Quốc Dân mang đến một chiêm nghiệm bản năng mạnh mẽ về vòng luân hồi của vật chất. Trong một thế giới bão hòa với sự dư thừa, anh tiếp cận những thứ bị vứt bỏ không phải như rác thải, mà như mảnh đất màu mỡ cho sự tái sinh về thẩm mỹ, sinh thái và hiện sinh. Thông qua điêu khắc và hội họa, Dân hồi sinh những mảnh nhựa và vải vụn thành những miền huyên náo, sống động của màu sắc và hình khối. Những tác phẩm này không tiếc nuối những gì đã mất; mà tiếp dụng chúng để mở ra những khả thể mới. Những mảnh vỡ trở lại không phải như những linh hồn, mà như những phương tiện chuyên chở ký ức và sự bền bỉ.
Triển lãm được cấu trúc từ hai tuyến tác phẩm đan cài lẫn nhau. Tuyến đầu tiên tập hợp những mảnh nhựa phong hóa bị cuốn dạt vào bờ hoặc chôn vùi sâu trong lòng đất – những tàn tích đã mềm đi do thời gian, muối biển, ánh nắng, và vô số bàn tay đã chạm vào. Những chất liệu này mang dấu vết thầm lặng của sự sử dụng và lãng quên: là tàn dư của đời sống sinh hoạt hàng ngày, của sự sinh tồn, của những lao động vô hình. Tuyến tác phẩm thứ hai lấy cảm hứng từ “lớp da” bị loại bỏ của ngành công nghiệp thời trang – vải sợi tổng hợp, vải thừa từ nhà máy và rác thải hoá chất nhuộm. Những chất liệu này, biểu tượng của cái đẹp tức thời và sự phân hủy chậm rãi, được xếp lớp thành những bố cục đầy biến động, hiển lộ những tác động giàu tính xúc giác. Nhưng ẩn dưới bề mặt sặc sỡ tựa vạn hoa đó là một hiện diện mơ hồ mà dai dẳng: hình bóng con người. Thường bị che khuất, phân mảnh, hoặc nhập nhằng vào khung cảnh xung quanh, cơ thể hiện diện vừa như một điểm khởi đầu, vừa như phần dư sót – luôn hiện hữu, nhưng không bao giờ ở vị trí trung tâm.
Giữa sự đồng hiện của vật chất và hình thể, "Tái chất Hoàn sinh – Vật chất Tái sinh – Materia Renata" mở ra một trường vũ trụ luận và triết học rộng lớn hơn. Như Heraclitus từng viết: “Vạn vật trôi đi, không gì tồn tại mãi.” Sự kết hợp của hai từ Latin là materia (vật liệu, vật chất) và renata (tái sinh; bắt nguồn từ chữ renasci có nghĩa là được sinh ra lần nữa) – vang vọng những quan niệm cổ xưa về thời gian không phải như một vận động tịnh tiến tuyến tính, mà là vòng tuần hoàn của sự hình thành, hủy diệt, và tái sinh. Tác phẩm của Dân thể hiện nguyên lý này không theo lối ẩn dụ mà bằng chính vật chất. Đây không chỉ là những tác phẩm nói về sự chuyển hóa – chúng chính là sự chuyển hóa.
Tiếp cận thực hành nghệ thuật của Nguyễn Quốc Dân là đối diện với bản chất không thể phân tách của con người và vật chất. Hình thể trong tác phẩm của anh không đơn thuần được tạo nên từ phế thải – chúng đan xen trong phế thải, bị bao phủ bởi lớp da tổng hợp, những điệu bộ bị san phẳng vào từng đường kim mũi chỉ và chi thể nhân tạo. Trong tay Dân, rác thải không còn là vật vô hồn – chúng có ý chí, hơi thở, và vẫn đang tiếp diễn.
Có lẽ vẫn vang vọng sự tiếc nuối đâu đây. Một nỗi niềm thương cảm sinh thái len lỏi trong từng tác phẩm — không chỉ là lòng tiếc thương cho môi trường bị hủy hoại, mà còn cho những cuộc đời, những lao động đã hòa tan trong chính môi trường đó.
Thế nhưng, ngay cả nỗi niềm này cũng được xoa dịu bởi điều gì đó cổ xưa hơn, và có lẽ thiêng liêng hơn: khả thể của sự tái sinh. Tái sinh không phải là một lần quay trở lại đơn lẻ, mà là một chuỗi tiếp nối của nhân và quả — một sự khai mở của nghiệp, nơi mỗi hành động định hình chu kỳ sống kế tiếp. Dân tôn vinh nguyên lý này trong cả quá trình sáng tác lẫn hình thức tác phẩm. Anh không tìm kiếm sự thanh lọc. Anh chấp nhận những mâu thuẫn.
Trong nhiều năm, Nguyễn Quốc Dân gọi phong cách của mình là Phi Lập Thể (Anti-Cubism) — một khám phá thị giác cá nhân được rèn luyện qua những thực hành với dây điện nhiều màu, phế liệu công nghiệp và hình học phi truyền thống. Nhưng trong "Tái chất Hoàn sinh – Vật chất Tái sinh – Materia Renata", những thể nghiệm đó không còn chỉ là phong cách — mà đã trở thành một tuyên ngôn. Một tuyên ngôn khước từ trật tự thứ bậc, chống lại sự phân loại, và khẳng định giá trị của những gì từng bị bỏ qua. Những tác phẩm này thôi thúc ta nhìn lại — không chỉ để nhận ra những thứ bị vứt bỏ, mà để nhận thấy trong đó một sự sống đầy tính phản kháng. Một nhịp đập dưới lớp nhựa.
Rốt cuộc, "Tái chất Hoàn sinh – Vật chất Tái sinh – Materia Renata" là một công cuộc tái định nghĩa cấp tiến về ý niệm “bắt đầu lại”. Trong một thế giới bị định hình bởi tốc độ và sự dư thừa, tác phẩm của Dân không đơn thuần là tái chế — chúng tái sinh.
Những tạo tác của Nguyễn Quốc Dân nhắc chúng ta rằng sự tái sinh không bao giờ nguyên sơ. Nhưng nó rất chân thật. Và trong sự trung thực hỗn độn, rực rỡ ấy — sự tái sinh là tuyệt đối con người.
Đỗ Tường Linh