SƠN MÀI TUÂN HOA – PHÙ SA NGHỆ THUẬT

Tôi nhớ lắm những tháng ngày xa xưa đó, trong tiết trời se lạnh đầu xuân sau mấy ngày Tết thời bao cấp vô cùng đơn sơ mà ấm áp nghĩa tình, lên chơi nhà vợ chồng họa sĩ Trịnh Tuân – Công Kim Hoa ở số nhà 17 Lý Quốc Sư, Hà Nội, đã thấy chàng và nàng ướt rượt mài tranh, dát bạc. Nhâm nhi chén trà mạn cùng cụ Bách nghệ nhân phố Tô Tịch, cũng là người thầy vỡ nghề cho đôi vợ chồng nghệ sĩ trẻ, được nghe cụ tâm sự nỗi nhọc niềm vui của nghề thợ sơn ta bao đời, càng thấm thía và cảm phục cái chí hướng và niềm đam mê của hai người bạn.

Bước đường nghệ thuật sơn mài của Tuân và Hoa ngay từ lúc ban đầu đã được xây trên nền móng kiến thức design vững chắc, bởi vì họ vốn là đồng môn, cùng tốt nghiệp đại học về mỹ thuật ứng dụng, và có may mắn tiếp thụ các nguyên lý tạo hình Bauhaus do các giáo sư Đức truyền dạy trong những khóa học hiếm hoi tại Việt Nam vào đầu thập niên 1990. Thế nhưng đoạn trường dằng dặc của họ quả thực là công cuộc tự lực khai sơn phá vóc, học anh em, hỏi bè bạn, tìm sách vở, nghiền ngẫm qua mỗi dịp du khảo xưởng thợ làng nghề, chiêm nghiệm trong từng cuộc hội thảo chuyên đề hay chu du thiên hạ tìm hiểu cái hay cái mới của nghề sơn quốc tế. Họ luôn tự vấn: sơn mài Việt Nam và quốc tế đã làm gì và đang đi về đâu?

Nắm vững những nguyên lý hội họa hiện đại được các bậc thầy Victor Tardieu, Inguimberty, Alix Aymé … truyền bá kể từ ngày Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời hơn một trăm năm trước, Tuân và Hoa cũng thấu hiểu bằng sự trải nghiệm cá nhân rằng nền nghệ thuật hội họa sơn mài Việt vẫn sở hữu nhiều kỹ năng cổ truyền đặc thù như phủ, ủ, mài, toát ... những kỹ thuật nặng về xúc giác, một hình thức tiếp xúc rất khác so với các thực hành bằng bút hoặc cọ vẽ.

Hành động chạm, xoa, vuốt, miết bàn tay lên một tác phẩm hết lần này đến lần khác, kiểm tra kỹ lưỡng từng nét vẽ, lớp sơn, mẩu cẩn, miếng dát, cẩn thận mài đi từng chút từng chút một, chăm chút nó cho đến khi đạt tới “điểm dừng” ưng ý nhất thúc đẩy thêm mức độ gần gũi, đồng cảm giữa người nghệ sĩ lẫn công chúng thưởng lãm. Làm sơn mài rõ ràng đòi hỏi sự đụng chạm khéo léo, một hành vi thân mật, một mối quan hệ hợp tác giữa nhiều người tạo tác và bởi phương tiện, chất liệu. Tình cảm nâng niu, trìu mến trong từng động tác của người nghệ sĩ trong sáng tác thực sự truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu một cách vô thức, khiến người thưởng lãm không ít lần nảy sinh nhu cần được đụng chạm lên gương mặt tác phẩm.

Nghệ thuật sơn mài của Tuân và Hoa không chỉ tích hợp đủ đầy những phẩm tính độc đáo của nghề sơn cha ông cùng cốt cách hội họa và thiết kế thế giới hiện đại, mà còn ánh xạ lẽ sống của đôi vợ chồng với tư cách nghệ sĩ gạo cội và nghệ nhân bậc thầy.

Luôn bên nhau, cùng say mê nghệ thuật truyền thống cộng với hoài bão tìm tòi những điều mới mẻ cho riêng mình và đóng góp vào sự cách tân nghệ thuật sơn mài, những chăm chút cho nghề của Tuân và Hoa ngày càng được ghi nhận trân trọng.

Những triển lãm quốc tế ở Nhật, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Úc, Singapore, Argentina, Malaysia, Israel, Thái Lan, Đài Loan, Mông Cổ… và hàng loạt sự kiện ở trong nước kể từ thập niên 1990 đến nay đã lan tỏa nghệ thuật của Trịnh Tuân và Công Kim Hoa tới đông đảo công chúng và giới hoạt động nghệ thuật khắp năm châu.

Am hiểu sâu sắc nghề sơn cha ông, không ngại áp dụng các kỹ thuật và chất liệu hiện đại, với bút pháp biểu hình giàu nhạc tính và phẩm chất tượng trưng, Trịnh Tuân đến nay đã khẳng định vị thế một họa sư sơn mài có nhiều học trò và đệ tử thành danh.

Sở hữu bảng màu thanh nhã cùng lối vẽ trừu tượng độc đáo, tinh tế, thấm đẫm phẩm hạnh một người Hà Nội gốc, Công Kim Hoa từ lâu đã là một trong gương mặt nữ họa sĩ sơn mài hàng đầu đại diện cho mỹ thuật sơn mài Việt Nam ở các triển lãm hay hội thảo nghệ thuật quốc tế.

Thấm thoắt đà ba chục năm có lẻ từ buổi sáng xuân đó, đôi vợ chồng họa sĩ Hà Nội năm nào nay vẫn tràn đầy năng lượng sáng tạo.

Chắc chắn còn nhiều điều có thể nói về tình yêu của họ dành cho nhau và cho nghệ thuật sau cả một hành trình dài lâu gắn cũng như chung tay hom sơn mài nhưng mỗi người mỗi vẻ với ngôn ngữ tạo hình không hề trộn lẫn .

Nếu Công Kim Hoa một đời chí thú sáng tác trong họa thất gia đình và nhiệt tình dạy trẻ em vẽ, thì Trịnh Tuân lại có phổ hoạt động xã hội và nghệ thuật sâu rộng hiếm thấy: giáo sư design ở đại học, sư phụ sơn mài tại xưởng, thành viên dự án nghiên cứu lịch sử phát triển sơn mài quốc tế, curator và nhà tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc tế chuyên nghiệp có tiếng vang ở khu vực và các châu lục...

Dù đối diện với nhiều thử thách, hai nghệ sĩ vẫn duy trì được sự hài hòa của  đời sống nội tâm và đời sống xã hội. Họ kiên định theo đuổi đồng thời cả hai miền tâm thức: kiến tạo ý niệm thị giác đương đại và lưu giữ tinh hoa thủ công cổ truyền. Một cách tự nhiên, thành quả lao động của họ đã tạo nên những kết nối tâm thức tốt lành, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò và bạn bè quốc tế.

Với tinh thần nghệ thuật giàu tính sáng tạo, rèn rũa tay nghề nghiêm túc và đúc kết kiến thức không ngưng nghỉ, sau ngót một phần ba thế kỷ, hội họa sơn mài của Trịnh Tuân - Công Kim Hoa đã như lớp lớp phù sa màu mỡ miệt mài bồi đắp cho kho tàng nghệ thuật văn hóa Việt mỗi ngày.

Hà Nội, Xuân Ất Tỵ, 2025

Phạm Long

Có thể bạn quan tâm