"SEEING THE INVISIBLE" Exhibition - Curatorial Text

Thấu Cảm Hư Không – Seeing The Invisible 

 

“Toan trống trơn. Bên ngoài - thật sự trống rỗng, im lặng, thờ ơ. Sững sờ, gần như vậy. Hiệu ứng - đầy căng thẳng, với ngàn giọng nói âm vang, nặng trĩu với kỳ vòng. Một chút hoảng sở bởi vì có thể bị xâm phạm.” ― Wassily Kandinsky, Kandinsky: Toàn bộ ghi chép về Nghệ thuật

  

Lấy cảm hứng từ tên cuốn sách Seeing The Invisible – Thấu Cảm Hư Không của triết gia nổi tiếng người Pháp Michel Henry viết về tác phẩm của  Wassily Kandinsky, triển lãm Thấu Cảm Hư Không lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng Việt Nam tác phẩm của ba danh họa kinh điển của thế giới với phong cách Trừu Tượng là Wassily Kandinsky, Paul Klee và Piet Mondrian. Trong quá khứ, các lý thuyết mỹ học thường tìm cách hiểu hội hoạ bằng sự nghiên cứu mối liên hệ giữa thế giới thị giác và thế giới hữu hình. Lúc này hội hoạ chỉ có nhiệm vụ miêu tả cái chúng ta thấy. Một cách truyền thống, hội hoạ đặc biệt gắn liền với hoạt động của mimesis (có nghĩa là mô phỏng hay bắt chước trong tiếng Hy Lạp cổ đại) các đối tượng ở thế giới bên ngoài. Vậy nên những vấn đề sẽ luôn xoay quanh đến việc tái trình hiện lại thế giới hữu hình như các kĩ thuật mô tả ánh sáng và phối cảnh. Điều mang tính cách mạng trong lý thuyết và trừu tượng của Kandinsky là mối liên hệ rõ ràng giữa tác phẩm, đôi mắt, và thứ hữu hình luôn được bỏ dở. Theo ông, hội hoạ hoàn toàn có thể được giải phóng khỏi cái hữu hình mặc dù là một nguyên tắc cơ bản liên quan đến bản chất của mọi hiện tượng:

 

“Mỗi hiện tượng có thể được trải nghiệm ở hai cách. Hai cách này không ngẫu nhiên, nhưng luôn được gắn kết với các hiện tượng – chúng bắt nguồn từ bản chất của hiện tượng, từ hai đặc tính của cùng một thể: Bên ngoài/ Bên trong.”

 

Khi nhận ra bản chất lưỡng nguyên của mọi hiện tượng – cả bên ngoài và bên trong – Kandinsky nhấn mạnh sự phân chia triệt để giữa hai hình thức xuất hiện này. Trong hình dáng bên ngoài của một sự vật hiện tượng đề cập đến cách sự vật hiện tượng đó được thấy ra sao, thì bên trong đề cập đến âm sắc vô hình của một hiện tượng, hay cách người ta đã cảm thấy sao về nó. Nghệ thuật trừu tượng của Kandinsky lật tẩy quan niệm của chúng ta về hội hoạ và nghệ thuật nói chung, vì nó hướng tới việc biểu hiện nội tại của sự vật hiện tượng, hay nói cách khác, là vẽ lên sự vô hình. Giải phóng khỏi tất cả những hành vi mimesis, mối bận tâm trung tâm là câu hỏi làm thế nào để vẽ ra thứ vô hình. Làm thế nào để phương tiện nghệ thuật hữu hình là hội hoạ - những hình khối và màu sắc đồ hoạ - có thể được sử dụng để mô tả một thực tại hoàn toàn khác, một hiện thực vô hình? Khả năng mới nào của hội hoạ mà nghệ thuật trừu tượng đã mở ra?  Liệu khám phá sâu sắc về các nguyên tắc của hội họa trừu tượng có thể giúp chúng ta thâm nhập bản chất của hội họa nói chung? Hay ngược lại, chúng ta có nên khẳng định rằng, bất chấp tính cách mạng của nó, hội họa trừu tượng đưa chúng ta trở lại cội nguồn của tất cả các bức tranh, và hơn thế nữa, chỉ riêng nó tiết lộ khả năng về hành vi vẽ và cho phép chúng ta hiểu nó? Thực tế là hội họa trừu tượng xuất hiện khá muộn trong lịch sử văn hóa và ngay cả khi nó suy tàn, vào thời điểm phân chia và tự phủ định, không ngăn cản nó dẫn dắt chúng ta, bằng một bước thụt lùi rất lớn, về nguồn gốc của chính nó. Thấu Cảm Hư Không còn hành trình điểm lại những tác phẩm quan trọng và kinh điển của chủ nghĩa trừu tượng từ Đức, sang Pháp, Hà Lan và Hoa Kỳ phần nào mô tả nên thế giới nghệ thuật hiện đại đầy sôi động và biến động gắn với những thay đổi trong lịch sử và xã hội của thế kỷ XX. Sợi dây kết nối của ba nghệ sĩ còn là mối quan hệ khăng khít của hội hoạ với âm nhạc đặc biệt là nghệ thuật trừu tượng được thể hiện trong tác phẩm đầy nhạc tính của Kandinsky và Klee, có một sự tương đồng đến ngạc nhiên với các giai điệu của Erik Satie – nhà soạn nhạc được biết đến với những tác phẩm giàu chất thơ và hoạ tính. Không chỉ vậy Kandinsky, Klee và Mondrian còn được biết tới là những nhà lý thuyết và những cây viết nghệ thuật góp phần tạo nên những tác phẩm lý thuyết nghệ thuật và mỹ học nổi bật của thế kỉ XX. Hãy cùng bước vào thế giới nghệ thuật của Wassily Kandinsky, Paul Klee và Piet Mondrian để cùng khám phá và tìm hiểu cách mà những hình khối, đường nét, màu sắc đã xây dựng lên những hiện thực khác nhau ra sao cũng như cách các nghệ sĩ đã dạy chúng ta có một cách nhìn khác về thế giới như thế nào. 

 

Đỗ Tường Linh 

 

Tác giả 

 

Wassily Wassilyevich Kandinsky (1866 – 1944) là một hoạ sĩ, lý thuyết nghệ thuật người Nga. Ông thường được biết đến là một trong những nghệ sĩ tiên phong về chủ nghĩa trừu tượng trong nghệ thuật ở Phương Tây đầu thế kỉ XX. Trước khi theo học nghệ thuật ở Munich, ông từng học luật và kinh tế tại Đại học Moscow và là giảng viên sau khi tốt nghiệp. Với tài năng xuất chúng của mình, Kandinsky đã tham gia giảng dạy và là người sáng lập các nhóm nghệ thuật độc lập. Năm 1909, ông được bầu làm chủ tịch Neue Künstlervereinigung München (NKVM) tuy nhiên sau đó ông đã từ bỏ vị trí này và sáng lập nhóm Der Blaue Reiter (Nhóm Kỵ Sĩ Xanh). Nhóm này sau đó quy nạp thêm nhiều thành viên trong đó có cả Paul Klee và thực hiện nhiều triển lãm cũng như xuất bản các ẩn phẩm khác nhau. Tác phẩm Về cái tinh thần trong nghệ thuật – On the Spiritual in Art của Kandinsky* được xuất bản tháng 12 năm 1911 và cho đến ngày nay vẫn được coi là một trong những tác phẩm quan trọng về lý thuyết và triết học nghệ thuật. Kandinsky tin rằng các dạng hình học, đường nét và màu sắc có thể thể hiện đời sống nội tâm của người nghệ sĩ — một lý thuyết khá rõ ràng trong các bức tranh đầy năng lượng và màu sắc của ông, các tác phẩm này thường được lấy cảm hứng từ âm nhạc.

 

Paul Klee (1879 - 1940) là một nghệ sĩ người Đức gốc Thụy Sĩ – ông vẽ tranh, làm đồ hoạ, vẽ sơ đồ thiết kế. Phong cách cá nhân của ông bị ảnh hưởng bởi các trào lưu nghệ thuật như chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa lập thể và chủ nghĩa siêu thực. Thuở nhỏ Klee được cha định hướng theo con đường âm nhạc nhưng sau đó ông đã quyết định chọn con đường nghệ thuật thị giác. Klee cũng được biết đến với những thử nghiệm và nghiên cứu sâu sắc về lý thuyết màu sắc của ông. Những bài giảng Những viết lách về Hình thức và Lý thuyết thiết kế (Schriosystem zur Form und Gestaltungslehre), được xuất bản bằng tiếng Anh với tên gọi Paul Klee Notebooks, được coi là quan trọng đối với nghệ thuật hiện đại cũng tương tự như cuốn Luận bàn về Hội hoạ Phục Hưng -  A Treatise on Painting for the Renaissance của Leonardo da Vinci. Ông và đồng nghiệp của mình, họa sĩ người Nga Wassily Kandinsky, cả hai đều giảng dạy tại trường nghệ thuật, thiết kế và kiến ​​trúc Bauhaus ở Đức. Các tác phẩm của ông thường phản ánh khiếu hài hước khô khan và thế giới quan mơ mộng như trẻ thơ, tâm trạng, niềm tin cá nhân và nhạc tính của ông.

 

Piet Mondrian (1872 – 1944) là nghệ sĩ người Hà Lan. Tác phẩm của Mondrian mang tính chất tự nhiên - kết hợp liên tiếp những ảnh hưởng của tranh phong cảnh hàn lâm, tranh tĩnh vật, Chủ nghĩa Ấn Tượng và Chủ nghĩa tượng trưng Hà Lan. Ông đã thử nghiệm nhiều phong cách từ chủ nghĩa chấm điểm (pointilllism), chủ nghĩa lập thể cho đến khi tìm và phát triển được phong cách trừu tượng của riêng mình. Năm 1917, Mondrian đồng sáng lập De Stijl (có nghĩa là Phong cách – The Style trong tiếng Hà Lan). Nhóm này đã mở rộng các nguyên tắc của trừu tượng và sự tối giản hoá bên ngoài Hội hoạ và Điêu khắc mà sang cả Kiến Trúc, Đồ hoạ và Thiết kế công nghiệp. Mondrian sử dụng" De Stijl " như công cụ chống lại sự tối cao của chủ nghĩa cá nhân, một phần của chiến tranh, và để bảo vệ ý tưởng về "sự hình thành một khối quốc tế thống nhất trong cuộc sống, trong nghệ thuật và trong văn hóa", ông nhấn mạnh một thực tế rằng nghệ thuật tự nó không phải là mục đích kết thúc, mà là một phương tiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và sống còn. Bên cạnh các triển lãm nhóm và cá nhân, ông cũng tích cực viết các bài luận chuyên sâu về chủ nghĩa trừu tượng đăng trên tạp chí De Stijl định kỳ. Không chỉ tham gia các triển lãm và hoạt động nghệ thuật tại Châu Âu, thế chiến thứ II cũng buộc Mondrian phải định cư sang New York và sau đó trở thành một phần của nhóm Nghệ sĩ Trừu Tượng Mỹ



You may also like