BIẾN CHUYỂN - Hành trình viết tiếp câu chuyện đá
Những năm gần đây với sự năng động của các nhóm nghệ sỹ và một số không gian nghệ thuật, đã có những hoạt động sáng tác và trưng bày tại làng nghề truyền thống như lànggốm Bát Tràng, làng gốm Phù Lãng, làng đá Ninh Vân… Phải chăng, như nhận xét của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân:“ Văn hóa làng là nguồn cảm hứng chủ đạo của phần đông nghệ sỹ Việt Nam trong cả hai chiều ước vọng “phát huy truyền thống” và “ hiện đại hóa”, nhân loại hóa nghệ thuật của mình”. Bằng nhiều phương thức tổ chức khác nhau nhưng có lẽ họ đều có chung một tâm thế là muốn đem nghệ thuật về làng, kết nối với những giá trị văn hóa cha ông.Tìm kiếm sự thay đổi, làm mới, đưa những câu chuyện nghệ thuật và hơi thở đương thời vào không gian làng nghề, thúc đẩy những cái nhìn mới, nhìn khác vào quá trình sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ cũng như tạo tác sản phẩm của làng nghềtruyền thống. Đưa nghệ thuật vào đời sống và đến các không gian,góp phần thúc đẩy và tương hòa cùng dòng chảy nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Từ workshop mở đầu mang tên “Về với đá” năm 2019 đến workshop ‘Đồng vọng’ năm 2020 với công ty Đá Việt Hồng Quang, Luong Art space của nhà điêu khắc Lương Trịnh cùng các nghệ sĩ điêu khắc đã đồng hành tổ chức sáng tác với chất liệu đá tạo được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2021, Luong Art Space và các nghệ sĩ điêu khắc kết hợp tổ chức sáng tác và triển lãm tác phẩm chất liệu đá với sự song hành của trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom VCCA mang tên “Biến Chuyển”. Sự giúp đỡ nhiệt tình và trách nhiệm của đội ngũ quản lý cùng chuyên môn của VCCA đã tiếp sức cho các nghệ sĩ và Luong Art space tạo dựng, hỗ trợ những hoạt động sáng tác, trưng bày cũng như tổ chức truyền thông một cách chuyên nghiệp.
Sự kiện được tổ chức với sự góp mặt của chín nhà điêu khắc đến từ ba thế hệ với các nghệ sĩ tuổi 5x như nhà điêu khắc Đào Châu Hải, nhà điêu khắc Lê Thị Hiền, các nghệ sĩ điêu khắc 7x như Lê Lạng Lương, Khổng Đỗ Tuyền, Lương Văn Việt, đến thế hệ trẻ đầy năng lượng mới của tuổi 8x như các nhà điêu khắc Trần Văn An,Thái Nhật Minh, Lương Trịnh và nhà điêu khắc trẻ 9x Đào Tân. Như được trở về nhà, đá đã từng là chất liệu mà các nhà điêu khắc ít nhiều có trải nghiệm trong sáng tác. Nhưng lần nào cũng vậy, đá vừa cho cảm giác gần gũi, thân thuộc lại vừa tỏ ra thách thức với hành trình sáng tạo mới của các nghệ sĩ. Bước ra khỏi không gian xưởng của cá nhân, các nghệ sĩ cùng tham gia vào với những hoạt động giàu tính chia sẻ. Thật vui khi được làm việc và trao đổi nghề nghiệp giữa các đồng nghiệp, các thế hệ khác nhau và đặc biệt là với các nghệ nhân của làng nghề đá Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình. Việc cùng nhau chia sẻ, nuôi dưỡng và thực hiện những ước mong nghề nghiệp hẳn là điều hạnh phúc của mỗi nghệ sĩ tham dự.
Cùng có chung sự quan tâm đến đá, nhưng cách ‘viết’ những câu chuyện đối thoại với đá lại thật phong phú và biểu hiện những cá tính riêng biệt của từng nghệ sĩ qua quá trình thể hiện tác phẩm. Với sự giúp đỡ về nguyên vật liệu, các phương tiện thể hiện và kinh nghiệm nghề đá của Luong Art Space, các nghệ sĩ đã phần nào thỏa mãn với những ý tưởng sáng tác của mình. Đá có thể rất nặng, và sức nặng đó lại như ôm trọn những tâm tư của nghệ sĩ trong hình thức của nó. Tinh thần và hình thức hòa quyện với nhau trong các tác phẩm của nhà điêu khắc Đào Châu Hải. Tác phẩm của ông kiệm lời và cô đặc nhưng lại tỏa ra một năng lượng sâu và lớn. Đá có thể nén chặt và vây nhốt những trăn trở, suy tư, dồn ép những hình tượng ‘người hàng hóa’ vào các khối đá hình hộp của nghệ sĩ điêu khắc trẻ Đào Tân như những câu hỏi bất tận về thân phận con người. Không khoan nhượng và thỏa hiệp, sự lạnh lùng gạt bỏ những gì là khách quan để bộc lộ thái độ tạo hình của mình, là cuộc chơi của tỉ lệ và màu sắc chất liệu trong không gian của nhà điêu khắc Lương Văn Việt để lại ấn tượng mạnh cho người xem.
Yêu thích ngôn ngữ hình học với những mảng diện mạch lạc và các tỉ lệ chặt chẽ tạo nên vận động của ánh sáng trong sự tiết giản của hình khối là chuỗi tác phẩm của nữ nghệ sĩ điêu khắc Lê Thị Hiền đầy cá tính, khoe được chất cảm và sức mạnh của đá. Một biểu cảm như muốn thay đổi bản chất của đá cho cảm giác mềm, dẻo, khỏe khoắn và cựa quậy chuyển động trong các chuyển động ‘sóng’ của điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền, tính mạnh mẽ, hoành tráng trong một kết cấu tối giản luôn quyến rũ cảm xúc người thưởng lãm.
Trần Văn An lại mang tới những tác phẩm như muốn thôi miên thị giác người xem bởi sự chín mọng của đá, thật khó cưỡng lại những ham muốn chạm vào và cảm nhận bề mặt của những hình khối đó. Đá cũng có thể ‘bay’, có thể co nén không gian trong chuỗi tác phẩm của Thái Nhật Minh, một cảm giác trong trẻo, lâng lâng, khi bồng bềnh, khi lặng lẽ cô đơn trong thế giới của những biểu tượng tô tem huyền thoại. Đá dường như không trọng lượng và kiêu linh, giàu tính thiền trong điêu khắc của Lương Trịnh. Đá là vọng tưởng với “Núi” của Lê Lạng Lương, đá chứa đựng thông điệp của thời gian, sinh khí của trời đất trong hình tượng “Cổng trời” vừa thực vừa hư. Chín tác giả là chín câu chuyện tạo hình khác nhau thể hiện tình yêu và sự đối thoại riêng của họ với đá.
Để lại đằng sau những nắng và bụi, những tiếng chát chúa, chói tai của đá qua tiếng đục, cắt, mài đá nhường lại cho âm thanh và giai điệu của hình khối, không gian và ánh sáng của thế giới thẩm mỹ và sự đam mê. Với 35 tác phẩm đá đang trưng bày tại trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom VCCA là những câu chuyện điêu khắc được viết tiếp bằng đá, là món quà tinh thần đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19. Câu chuyện về đá sẽ không dừng lại, có thể được viết tiếp và viết khác trong tương lai, bởi còn rất nhiều nhà điêu khắc yêu đá, yêu chất liệu ghi dấu ấn lịch sử và nghệ thuật không chỉ của người Việt mà còn là của cả nhân loại.
Lê Lạng Lương
Nguồn: http://tapchimythuat.vn/my-thuat-hien-dai-viet-nam/bien-chuyen-hanh-trinh-viet-tiep-cau-chuyen-da/