Giám đốc nghệ thuật Mizuki Endo chia sẻ về chương trình “Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019″

Viết bởi Nguyễn Đức Tùng, ảnh bởi Lê Cao Tùng cho Hanoi Grapevine và VCCA
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) đang thực hiện một dự án dài hạn mang tên “Chương trình Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019”. Chương trình nhằm mục đích tìm kiếm và hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ triển vọng của Việt Nam trên con đường sáng tác chuyên nghiệp. Hanoi Grapevine đã có buổi trò chuyện với ông Mizuki Endo, Giám đốc Nghệ thuật VCCA để tìm hiểu về chương trình này.

Ông Mizuki Endo, giám đốc nghệ thuật VCCA

VCCA triển khai chương trình Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019 như thế nào?

Hỗ trợ các nghệ sĩ trong nền nghệ thuật đương đại Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Hoạt động chính của chúng tôi là tổ chức, đem đến cho công chúng những triển lãm nghệ thuật chất lượng cao. Đồng thời, chúng tôi tin rằng VCCA có thể đóng góp cho nền nghệ thuật không chỉ thông qua các hoạt động triển lãm mà còn bằng việc đồng hành cùng các nghệ sĩ trẻ tài năng, những người có khả năng tạo ra giá trị nghệ thuật tích cực cho xã hội.

Hiện tại chúng tôi đang triển khai chương trình “Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019” với hai mảng. Mảng thứ nhất dành cho những nghệ sĩ đã có những ý tưởng rõ ràng về tác phẩm và dự án của mình. Chúng tôi đã chọn 5 nghệ sĩ, hỗ trợ họ trong giai đoạn thực hiện tác phẩm cũng như tổ chức triển lãm tại VCCA.

Chương trình thứ hai dành cho những nghệ sĩ trẻ tuổi và ít kinh nghiệm hơn, những cá nhân đầy triển vọng, song cần có những hỗ trợ nhất định để phát huy tiềm năng và tiến xa hơn trên con đường sáng tác chuyên nghiệp. Chúng tôi đã chọn ra 4 nghệ sĩ. Điều đầu tiên chúng tôi mang đến cho họ là chuỗi các buổi trò chuyện chia sẻ kiến thức cùng các nghệ sĩ, chuyên gia nhiều kinh nghiệm. Trong đó, buổi trò chuyện cùng bà Mami Kataoka – Phó giám đốc đồng thời là Trưởng giám tuyển của Bảo tàng Nghệ thuật Mori (Tokyo) được mở tự do cho công chúng tới tham dự, những buổi còn lại đều chỉ dành riêng cho các nghệ sĩ trong chương trình.

Bên cạnh các buổi chia sẻ kiến thức về nghệ thuật đương đại, chương trình cũng cung cấp thêm thông tin và kiến thức liên ngành về lịch sử và văn hóa của Việt Nam, hướng dẫn một số kỹ năng mềm cho nghệ sĩ như hồ sơ nghệ thuật, cách sử dụng tiếng Anh chuyên ngành trong nghệ thuật,…

Đồng thời, chúng tôi cũng hỗ trợ nghệ sĩ các nguồn lực trong quá trình thực hiện tác phẩm. Những buổi tư vấn cá nhân với mỗi nghệ sĩ vẫn đang diễn ra. Họ cũng sẽ tham gia vào các triển lãm do VCCA tổ chức. Cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng, sau khi trưng bày tác phẩm, các nghệ sĩ trẻ sẽ được VCCA tạo điều kiện để tham gia vào các chương trình lưu trú tại nước ngoài. Chúng tôi nghĩ đó có thể là Đức, Nhật, Indonesia,… tùy thuộc vào phong cách của mỗi người. Nếu nghệ sĩ mong muốn tham gia lưu trú tại một quốc gia khác và có những lý do thuyết phục cho lựa chọn đó, chúng tôi sẽ xem xét và cung cấp cho họ sự hỗ trợ phù hợp.

“Ý tưởng này là một chương trình hỗ trợ ‘toàn diện’ cho các nghệ sĩ trẻ, bao gồm: kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật, mối quan hệ và cơ hội. Tôi biết đây là những thứ mà các nghệ sĩ trẻ không dễ có”

Xin ông chia sẻ thêm về những điểm giống và khác nhau giữa các nghệ sĩ trong chương trình?

Họ rất khác nhau. Chất liệu nghệ thuật khác nhau. Ý niệm nghệ thuật khác nhau. Cái chúng tôi muốn thấy là ý chí cầu tiến mạnh mẽ, khao khát được phát triển bản thân và trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đó là điều quan trọng nhất. Chúng tôi tin rằng các nghệ sĩ trẻ có thể đem sự sáng tạo của mình đến với nhóm đối tượng khán giả rộng hơn. Không chỉ là bạn bè hay những người đặt mua tranh mà còn cả công chúng và các nhà giám tuyển quốc tế.

Các nghệ sĩ trẻ đã phát triển thế nào sau khi tham gia chương trình?

Tôi nghĩ mọi người đều phát triển rất nhiều. Họ bàn luận những ý tưởng mới, những ý niệm mới, những kỹ thuật mới và những hình thức trưng bày tác phẩm mới. Họ đang “trưởng thành” rất nhanh. Đó là niềm vui lớn đối với chúng tôi.

Ví dụ, ý tưởng ban đầu của nữ nhạc sĩ Hà Thúy Hằng là thực hiện một dạng video về âm nhạc. Nhưng bây giờ cô đã thay đổi ý tưởng ấy thành tác phẩm sắp đặt mang tính tương tác. Một sự tiến triển tuyệt vời.

Nguyễn Đình Phương là một nghệ sĩ độc đáo. Những tác phẩm của anh mang tính định chốn (site-specific). Anh ấy sẽ được chúng tôi bố trí một không gian độc đáo và phù hợp để thực hiện tác phẩm của mình.

Đoàn Văn Tới thì đang tiến gần tới mốc phát triển tiếp theo. Anh ấy cần thực hành với những bức tranh khổ lớn, vượt qua những thách thức của chất liệu mới, để tạo ra tác phẩm sau cùng hài hòa nhất. Đó là một thay đổi lớn và anh ấy đang rất nỗ lực.

Trong số các nghệ sĩ trẻ, Châu Lê Hoàng Gia hiện không ở Hà Nội. Điều này có gây ảnh hưởng gì cho những buổi tư vấn cũng như quá trình thực hiện tác phẩm hay không?

Chúng tôi kết nối, trao đổi với nhau thông qua internet, và khoảng cách địa lý không ảnh hưởng lắm. Dù Gia còn phải “loay hoay” hơn những người khác, nhưng giờ cậu ấy đã có những ý tưởng mạch lạc. Thực sự cậu ấy rất có tài năng.

Sau khi các nghệ sĩ đã trải qua hết các giai đoạn trong chương trình “Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019”, VCCA có kế hoạch hỗ trợ nào cho họ trong tương lai nữa không?

Điều này chưa được quyết định. Nhưng chúng tôi muốn tiếp tục làm chương trình này với những nghệ sĩ trẻ khác. Tôi nghĩ phù hợp nhất có thể là 2-3 năm 1 lần. Đó là khoảng thời gian hợp lý cho tất cả các hoạt động như buổi học, tư vấn, triển lãm,…

Không dễ để các nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam có thể sống được với nghề. Ông có lời khuyên nào dành cho họ?

Nghệ sĩ cũng phải sống bằng cách này hay cách khác. Nhưng nếu bạn nhìn về dài hạn, bạn sẽ có góc nhìn rộng hơn. Sẽ có khả năng mà bạn trở nên nổi tiếng ở tầm quốc tế. Tác phẩm nghệ thuật của bạn có thể thay đổi xã hội một cách tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng các nghệ sĩ có trách nhiệm với công chúng. Và công chúng có nghĩa là tất cả mọi người, dù trẻ hay già, giàu hay nghèo, ở Việt Nam hay trên thế giới. Vì vậy, các nghệ sĩ nên hình dung xem ai là công chúng của họ, và chúng tôi tin rằng đối tượng hướng đến càng rộng, càng đa dạng càng tốt.

Với tôi, mỗi tác phẩm đều phản ánh cách nghệ sĩ định nghĩa về công chúng. Nếu người nghệ sĩ muốn vẽ một bức tranh mang chủ đề truyền thống với hình ảnh hoa sen trong đó, tức là họ muốn dành tác phẩm ấy cho khán giả Việt Nam, muốn chạm đến những cảm thức Việt Nam. Nhưng nếu người họa sĩ vẽ một bức tranh trừu tượng khổ lớn, có thể ít người muốn mua và bày trong nhà, có thể hiểu là họ đang muốn hướng tới nhóm đối tượng khán giả rộng hơn trong tương lai.

Ông có nghĩ “Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019” là một chương trình độc đáo không?

Rất độc đáo. Tôi chưa thấy những chương trình thế này ở Việt Nam. Tất nhiên là đã có những kiểu chương trình hỗ trợ thế này ở Mỹ, các nước châu u hay Nhật Bản. Nhưng ở Việt Nam thì chưa. Tôi cũng biết có những tổ chức nước ngoài hoặc đại sứ quán cũng mở các chương trình hỗ trợ, nhưng chủ yếu chỉ dành cho những nghệ sĩ đã thành danh. Bởi vậy VCCA muốn hỗ trợ nhiều hơn cho những nghệ sĩ trẻ tài năng.

Ông học được gì từ những nghệ sĩ trẻ?

Tôi học được cách các nghệ sĩ trẻ ngày nay giữ khoảng cách phù hợp với các định chế nghệ thuật. Có rất nhiều định chế chính thống ở đây, ví dụ như Đại học Mỹ thuật, bảo tàng, tổ chức nước ngoài, đại sứ quán,… Và nếu xem trên mạng, bạn có thể thấy còn nhiều điều hơn thế đang diễn ra trên thế giới. Những người trẻ bây giờ có văn hóa riêng, và họ đặt mình ở giữa những hệ thống ấy. “Ở giữa” có nghĩa họ có thể làm việc với các nghệ sĩ quốc tế, nghệ sĩ trong nước, … bất kỳ đối tượng nào. Sự linh hoạt đó rất quan trọng. Các nghệ sĩ trẻ vẫn đang tiếp tục công cuộc khám phá.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Có thể bạn quan tâm